Cuộc thí nghiệm được tiến hành trên 20 chiếc smartphone khác nhau do Avast mua lại từ eBay. Bằng những công cụ khôi phục dữ liệu khác nhau, nhóm chuyên gia Avast đã cho thấy một bằng chứng khá thuyết phục là việc cài đặt điện thoại trở lại các thiết lập ban đầu của nhà sản xuất không đồng nghĩa với việc toàn bộ dữ liệu của người dùng sẽ bị xóa hoàn toàn.
Từ 20 chiếc smartphone tham gia thử nghiệm này, Avast đã có thể khôi phục lại 40.000 bức ảnh (trong đó có 1.500 bức ảnh gia đình với trẻ em và 250 ảnh chân dung tự sướng của một người nam), 750 thư điện tử, 250 địa chỉ liên lạc với đầy đủ tên tuổi, địa chỉ và cả đơn xin vay tiền cũng như các hình ảnh nhạy cảm.
Phát hiện của Avast đã chỉ ra cho thấy hành động xóa sạch dữ liệu (wipe data) mà người dùng vẫn thường thực hiện trước khi bán hay cho, tặng máy không hoàn toàn an toàn đúng như tên gọi của nó. Thay vào đó, phần mềm quản lí nội dung của một thiết bị (smartphone) đơn thuần chỉ xóa các chỉ mục của các tập tin của họ và gán cho các tập tin này những bit dữ liệu cho thấy có thể sẵn sàng ghi đè dữ liệu lên nó bất cứ lúc nào. Như vậy, một điều rõ ràng là các dữ liệu vẫn còn nằm đó và lẽ dĩ nhiên chúng có thể truy cập và khôi phục lại bằng những công cụ thích hợp.
May mắn là người dùng vẫn có thể xóa sạch dữ liệu nhờ những công cụ bảo mật quản lí đĩa, song họ phải mất khá nhiều thời gian hơn so với thao tác hard reset thông thường. Kho ứng dụng trực tuyến Google Play cũng có khá nhiều công cụ có khả năng xóa sạch dữ liệu của người dùng tựa như công cụ security wipe mà BlackBerry đã phát triển nhiều năm trước. Nói chung, về khoản này, Apple vẫn tỏ ra lợi thế hơn hẳn Google.
Theo Chris Bross, Giám đốc công nghệ của Drivesavers, công ty chuyên cung cấp dịch vụ khôi phục dữ liệu cho biết khả năng phục hồi dữ liệu trên một chiếc iPhone khó hơn nhiều so với một chiếc điện thoại Android. Cách mà Apple xóa sạch dữ liệu người dùng cũng tốt hơn nhiều so với cách làm của các ứng dụng bên thứ 3 cung cấp cho người dùng Android. Cả iPhone và iPad đều được trang bị mã hóa phần cứng; và mỗi khi người dùng thực hiện xóa sạch dữ liệu, các khóa dùng để mã hóa cũng ngay lập tức bị ghi đè. Tiến trình này khiến việc khôi phục dữ liệu gặp nhiều khó khăn hơn.
Cũng theo Chris Bross, hầu hết các smartphone ngày nay đều sử dụng bộ nhớ flash NAND vốn luôn lưu trữ một bản sao dự phòng dữ liệu cũ trong những vùng không thuộc tập tin hệ thống của thiết bị. Chính điều này đã khiến việc xóa bỏ hoàn toàn dữ liệu trên thiết bị gặp nhiều khó khăn hơn. Thực tế là một vài ứng dụng giúp xóa sạch dữ liệu trên Google Play cũng tuyên bố thẳng thừng rằng “không thể đảm bảo làm sạch được mọi ngóc ngách của bộ nhớ”.
Như vậy, nếu vẫn muốn đảm bảo mọi dữ liệu của mình được xóa sạch trước khi bán/cho điện thoại cho một ai khác, tốt nhất bạn hãy vẫn cứ thực hiện thao tác factory reset. Nhưng theo Chris Bross, bạn cần phải làm đầy bộ nhớ vừa được xóa sạch bằng những dữ liệu tốt nào đó để ghi đè các dữ liệu cũ. Sau đó tiếp tục thực hiện thao tác xóa sạch dữ liệu một lần nữa.
Theo PC World VN. Nguồn Mashable.
Bình luận