Trước nạn lừa đảo ngày một gia tăng, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và FBI lên tiếng cảnh báo những ai có chuyến đi nghỉ hay công tác xa nhà hãy thận trọng để tránh bị lừa.

Những hình thức lừa đảo phổ biến được FTC nêu lên, gồm:

  • Lễ tân gọi lúc đêm muộn: Bạn nghĩ rằng đang nhận được một cuộc gọi vào lúc đêm muộn từ lễ tân nói thẻ tín dụng của bạn có vấn đề, và họ muốn xác minh số thẻ, do đó bạn đọc ngay cho họ biết số thẻ qua điện thoại. Đó chính là một cuộc gọi lừa đảo. Nếu khách sạn thực sự thấy thẻ tín dụng của bạn có vấn đề, họ sẽ đề nghị gặp bạn ở quầy lễ tân.
  • Giao bánh pizza: một trò lừa đảo khác, bạn thấy một tờ rơi quảng cáo bánh pizza ngay dưới mép cửa phòng khách sạn. Bạn gọi để đặt hàng theo số điện thoại in trên tờ rơi, và họ có số thẻ tín dụng của bạn qua điện thoại. Nhưng tờ rơi đó là giả mạo, và vì thế kẻ lừa đảo đã có được thông tin của bạn. Vì thế, trước khi đặt hàng, bạn lưu ý hãy kiểm tra thông tin của doanh nghiệp cung cấp, hoặc hỏi lễ tân.
  • Mạng Wi-Fi giả mạo: bạn quét tìm mạng Wi-Fi (trên laptop, tablet hay smartphone) và thấy một tên mạng giống tên khách sạn đang ở. Nhưng không có gì đảm bảo đó là mạng của khách sạn. Nếu kết nối vào mạng, bạn có thể trao cho kẻ lừa đảo cơ hội tiếp cận thông tin cá nhân nhạy cảm của mình. Hãy hỏi nhân viên khách sạn trước khi kết nối để đảm bảo mạng là hợp pháp.
  • ATM bị rình rập: tại các bốt ATM, những kẻ bất lương có thể lén lắp camera, bàn phím giả chồng trên bàn phím thật, và đầu đọc thẻ giả gắn vào đầu đọc thẻ của máy ATM để đánh cắp thông tin từ giải từ tính trên thẻ của bạn mà bạn không hề biết và nhờ thế chúng sẽ có được mã PIN. Để an toàn cho giao dịch thẻ, bạn hãy lắc mạnh khi nhét thẻ vào máy ATM xem có thiết bị “lạ” không, và khi nhấn phím nhập mã PIN nên dùng bàn tay còn lại che sát ngay bên trên.
  • Laptop mất cắp: nếu bạn mang theo laptop, đừng rời mắt khỏi nó, nhất là tại những nơi như sảnh khách sạn hay cửa kiểm tra an ninh ở sân bay. Những nơi này, bạn chỉ hơi phân tâm là laptop của bạn sẽ biến mất trong nháy mắt. Tại khách sạn, nhớ cất laptop vào két sắt trong phòng mỗi khi ra ngoài.
  • Quảng cáo bị chiếm đoạt: một số kẻ bất lương chiếm quyền điều khiển quảng cáo cho một danh sách bất động sản hoặc tài sản cho thuê, thay đổi địa chỉ email hoặc thông tin liên lạc khác, và đặt quảng cáo đã sửa lên một website khác. Quảng cáo thay thế thậm chí có thể sử dụng chính tên của người đã đăng quảng cáo ban đầu. Trong những trường hợp khác, kẻ xấu tấn công chiếm đoạt tài khoản email của các chủ sở hữu bất động sản trên những trang chuyên cho thuê kì nghỉ có uy tín.
  • Dịch vụ cho thuê “ma”: một cách khác, kẻ lừa đảo tạo nên một danh sách nhà nghỉ cho thuê nhưng trên thực tế không tồn tại hoặc không cho thuê. Chúng đưa ra mức giá thuê thấp hoặc khoa trương những tiện nghi tuyệt vời để moi tiền đặt trước của bạn trước khi kịp tìm hiểu.

FBI cũng từng lên tiếng cảnh báo du khách về nguy cơ laptop và các thiết bị khác kết nối Internet trong khách sạn bị lây nhiễm phần mềm độc hại. Cục điều tra liên bang Mỹ không đề cập cụ thể chuỗi khách sạn nào, cũng như phần mềm liên quan, nhưng cho biết “những kẻ gieo rắc mã độc nhắm mục tiêu khách du lịch nước ngoài thông qua cửa sổ pop-up trong khi họ đang thiết lập kết nối Internet trong phòng khách sạn của họ”. FBI nói thông thường du khách thiết lập kết nối Internet trong phòng khách sạn thấy bật lên một cửa sổ pop-up thông báo cho người dùng cập nhật một sản phẩm phần mềm thông dụng. Nếu người dùng nhấp vào chấp nhận và cài đặt bản cập nhật, phần mềm độc hại được cài lên laptop.

FBI khuyến cáo mọi người tránh việc cập nhật các phần mềm qua kết nối trong khách sạn. Tốt nhất là cập nhật các phần mềm trên máy tính xách tay ngay trước khi đi du lịch hay công tác, và chỉ tải bản cập nhật phần mềm trực tiếp từ trang web của nhà cung cấp phần mềm nếu các bản cập nhật là cần thiết khi ở một nơi xa lạ.

Theo PC World VN.




Bình luận

  • TTCN (0)