Trong đó, đáng chú ý là tính đến đầu năm 2014, cả nước đã có gần 7 triệu thuê bao THTT và từ 2 dịch vụ chủ đạo là truyền hình cáp tương tự và truyền hình vệ tinh đã phát triển thêm các dịch vụ truyền hình cáp số DVB-C, truyền hình cáp giao thức IP (IPTV), truyền hình di động (mobile TV). Tuy nhiên, bên cạnh những bước phát triển tích cực như trên, hoạt động THTT trên thực tế trong thời gian qua cũng đã xuất hiện nhiều bất cập.
Đề cập cụ thể đến những bất cập đã và đang tồn tại trong lĩnh vực THTT, tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014 của Bộ TT&TT, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho rằng: Bất cập lớn nhất trong lĩnh vực THTT hiện nay là các DN viễn thông tham gia thị trường chỉ được làm truyền dẫn mà không làm nội dung; trong khi đó, các "nhà đài" lại vừa được làm nội dung vừa được cung cấp dịch vụ THTT vừa được cung cấp dịch vụ internet. Từ đó dẫn đến câu chuyện "nhà đài" có thể bù chéo cho dịch vụ truyền hình và giảm giá dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh với các “nhà mạng” trong thị trường này.
Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, không chỉ bị cạnh tranh mạnh về giá cước internet, "nhà mạng" còn bị thua thiệt trong việc cung cấp dịch vụ nội dung bởi theo quy định, các kênh truyền hình nước ngoài, chỉ một số ít đơn vị (trong đó có VTV) được cấp phép biên tập, biên dịch dẫn tới việc độc quyền cung cấp nội dung. Do vậy, khi các "nhà mạng" phải mua lại nội dung từ “nhà đài” đã xảy ra chuyện giá mua lại bản quyền nội dung tăng lên. Mặt khác, giá bản quyền nội dung trong thời gian qua luôn tăng không có lộ trình dù không ít chương trình chất lượng không đảm bảo. “Với những bất cập như trên, trong cuộc cạnh tranh với "nhà đài", "nhà mạng" đang bị sức ép lớn, thậm chí là sự thua thiệt. Do đó, Bộ TT-TT cần có biện pháp quản lí giá cả và chất lượng nội dung dịch vụ THTT để bảo đảm thị trường này phát triển lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng giữa "nhà đài" và "nhà mạng"- ông Trần Mạnh Hùng đề xuất.
Bên cạnh những bất cập nêu trên, thị trường THTT đã và đang còn xuất hiện nhiều chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh như hiện tượng Công ty truyền hình cáp Sài Gòn Tourist (SCTV) cung cấp dịch vụ analog trên địa bàn Hà Nội không đúng với giấy phép cung cấp dịch vụ THTT đã được Bộ TT&TT cấp hồi tháng 1/2012. Ngay sau đó, đơn vị này đã bị Sở TT&TT Hà Nội xử phạt hành chính và yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ này trên địa bàn Hà Nội. Hay chuyện các hãng THTT cạnh tranh, “giật” khách hàng với các thủ đoạn không lành mạnh như cắt và phá mạng cáp của các hãng khác gây tê liệt mạng lưới và mất tín hiệu cục bộ trên diện rộng, thậm chí tại một số địa bàn còn bị mất tín hiệu hàng trăm thuê bao cùng lúc.
Nhằm ngăn chặn những bất cập, cạnh tranh không lành mạnh trên, từng bước trả lại sự công bằng, lành mạnh cho thị trường THTT, hiện Bộ TT&TT đang xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lí, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam. Trong đó, THTT sẽ được xem là nội dung trọng tâm của Nghị định này. Với tư cách Trưởng ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho rằng, Nghị định sẽ được xây dựng theo hướng hài hòa giữa lợi ích của “nhà đài” và “nhà mạng” để cùng cạnh tranh lành mạnh. Dự kiến ngày 15/12/2014, dự thảo Nghị định về quản lí phát thanh - truyền hình sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ
Theo Cand.
Bình luận