Cách đây khoảng 2 năm, mặt trời đã tống ra một trong những vết lóa mạnh nhất trong chu kì hoạt động, và kết quả phân tích mới đây cho thấy nền văn minh nhân loại chỉ suýt chút nữa là bị tàn phá nghiêm trọng nếu “dính chưởng”.
“Nếu bị bão mặt trời quất trúng lúc đó, giờ đây chúng ta vẫn trong giai đoạn thương tích đầy mình”, Reuters dẫn lời chuyên gia Daniel Baker của Đại học Colorado (Mỹ).
Cụ thể, vào ngày 23/7/2012, hai đợt phun trào vật chất ở vành nhật hoa (CME) đã thoát ra khỏi bề mặt mặt trời và chỉ cách nhau 15 phút, cùng xông vào không gian với tốc độ hơn 3000 km/giờ. Nếu chúng bùng nổ sớm hơn 9 ngày, địa cầu ắt hẳn đã ngay trong tầm ngắm, theo số liệu thu được từ vệ tinh STEREO của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA).
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Space Weather, vệ tinh STEREO đã hứng trọn cơn thịnh nộ của mặt trời. Và kết quả thu được cho thấy đây là trận bão mạnh nhất trong 150 năm qua, có thể còn kinh hoàng hơn sự kiện Carrington vào năm 1859, cũng là cơn bão mặt trời mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử loài người.
Sự kiện Carrington, được đặt tên theo nhà thiên văn học người Anh đã phát hiện CME khi đó, đã ập xuống trái đất vào tháng 8/1859, khi các hệ thống điện vẫn trong giai đoạn sơ khai. Cơn bão đốt cháy các hệ thống điện tích xuyên suốt châu Âu và Mỹ, gây hỏa hoạn tại một số tòa nhà và phóng ra cực quang đến tận phía nam Cuba.
Trong khi đó, xã hội hiện đại ngày càng phụ thuộc hơn vào các thiết bị điện tử, vốn là mục tiêu dễ dàng bị hủy hoại bởi các CME dạng này. Theo nghiên cứu của Viện Khoa học quốc gia Mỹ, ảnh hưởng kinh tế có thể vượt hơn 2 nghìn tỉ USD nếu một cơn bão như sự kiện Carrington tấn công trái đất vào thời điểm hiện nay, và gây ra khủng hoảng khắp toàn cầu vì lưới điện sập hàng loạt.
Xác suất địa cầu trúng phải một siêu bão mặt trời cỡ Carrington dao động ở mức 12% trong vòng 10 năm tới, theo nhà vật lí học Peter Riley, người đã công bố báo cáo về đề tài này trên chuyên san Space Weather hồi đầu năm nay. Ông đã dựa trên dữ liệu về các cơn bão mặt trời trong vòng 50 năm trở lại đây. “Ban đầu, tôi thật sự ngạc nhiên vì xác suất trên khá cao, nhưng số liệu thống kê đều chính xác”, theo Riley.
Các cơn bão mặt trời bắt đầu với một vụ nổ trên bề mặt ngôi sao trung tâm, gọi là vết lóa, phóng ra các tia X và bức xạ tia cực tím dày đặc về hướng trái đất với tốc độ ánh sáng. Vài giờ sau, các hạt điện tích theo sau và những electron lẫn proton này có thể nướng sạch các vi mạch nhạy cảm của vệ tinh trên đường chúng đi. Kế đến là các CME, chỉ những đám mây hàng tỉ tấn chứa thể plasma từ hóa, mất khoảng 1 ngày hoặc hơn để vượt qua ranh giới mặt trời - địa cầu. Chúng thường bị đẩy bật lại nhờ vào bong bóng từ trường của trái đất, nhưng một cú quất thẳng tắp có thể gây thiệt hại khó tưởng tượng đối với nền văn minh hiện đại.
Theo Thanh Niên.
Bình luận
Đợt trước NASA với các cơ quan khí tượng bảo rằng không sao cơ mà?