Đây là mức lỗ hàng quý lớn nhất của Tập đoàn kể từ năm 2012 đến nay. Doanh số bán hàng Q2/2014 của Amazon cho thấy mức tăng trưởng 23% lên đến 19,3 tỉ USD, nhưng với chi phí điều hành tới 19,4 tỉ USD, tăng 24% so với cùng kì năm 2013, khiến Tập đoàn vẫn không thể thoát khỏi “vòng tròn thua lỗ”.
Mặc dù giá trị thương hiệu Amazon vẫn duy trì chỗ đứng cao trên các bảng xếp hạng uy tín, song không thể phủ nhận chiến lược phát triển kinh doanh của người điều hành Tập đoàn Jeff Bezos bắt đầu xuất hiện những lỗ hổng nhất định, khi những kế hoạch gần đây của ông liên tục nhận được phản hồi trái chiều.
Theo đó, một số ý kiến tập trung vào việc lợi nhuận Tập đoàn bị kéo xuống do những chi phí đầu tư tốn kém vào lĩnh vực điện toán đám mây, kho bãi hay các ứng dụng tiện ích như dòng điện thoại di động thông minh mới nhất Fire.
Tuy các cổ đông luôn tìm lí do bênh vực Jeff Bezos khi cho rằng, chiến lược của Amazon hướng đến mục tiêu dài hạn và sẽ thu về kết quả mong đợi trong tương lai, song với lợi nhuận âm trong 2 quý liên tiếp, có lẽ đã đến lúc cần xem lại cách làm của ngài Bezos cũng như nhìn nhận về chặng đường sắp tới Amazon sẽ phải đối mặt.
Nửa đầu năm 2014 được xem là khoảng thời gian khá bận rộn đối với Jeff Bezos. Ông liên tục trình làng nhiều dự án tầm cỡ mới với kì vọng tạo ra cú nổ trong ngành công nghiệp, nổi bật là ứng dụng điện toán đám mây của Amazon thông qua website trực tuyến mới Amazon Web Services (AWS) aws.amazon.com/. Theo Hãng Pacific Crest Securities, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của ứng dụng đám mây Amazon, dự kiến doanh thu của đám mây Amazon sẽ chạm ngưỡng 6,7 tỉ USD trong năm 2015.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Bezos chưa đưa ra được con số lợi nhuận cụ thể mà ứng dụng đám mây đem lại, khiến nhiều con mắt tỏ vẻ hoài nghi mức độ nổi tiếng của đám mây Amazon cũng như lợi nhuận mà ứng dụng này có thể thu được. Bởi nhà đầu tư có quyền được biết số liệu đánh giá doanh số hàng năm 5 tỉ USD đến từ AWS liệu có chính xác và kì vọng ban đầu của Jeff Bezos về việc website mới một ngày nào đó sẽ làm lu mờ ngành nghề kinh doanh bán lẻ cốt lõi của Tập đoàn có thực sự khả thi?
Có vẻ như tham vọng kéo Amazon tách khỏi nền móng bán lẻ của Jeff Bezos trở nên quyết liệt hơn khi mới đây, Tập đoàn đã chính thức chuyển những kiện hàng đầu tiên của mẫu điện thoại di động thông minh Fire cho khách hàng. Với giá thành ngang ngửa hai dòng sản phẩm cao cấp iPhone của Apple và Galaxy của Samsung, ưu thế cạnh tranh của Fire sẽ bị thu hẹp nếu không nói là quá khó khăn khi thiếu đi những đặc tính nổi trội. Yếu điểm lớn nhất của Fire, đó là sự thiếu đa dạng các loại ứng dụng, trong khi mỗi chiếc iPhone hay một loại điện thoại di động thông minh Android đều cung cấp hơn 1 triệu ứng dụng khác nhau.
Ngoài ra, cuộc tranh chấp kéo dài với Tập đoàn Hachette Book Group về doanh số bán hàng sách điện tử cũng làm xấu đi hình ảnh Amazon trong mắt công chúng. Amazon đã đề xuất cho phép các tác giả của Hachette nắm giữ 100% doanh thu từ việc bán hàng trực tuyến, trong khi nhà bán lẻ và nhà xuất bản sẽ tiếp tục đàm phán một hợp đồng sách điện tử mới để phân chia lợi nhuận rõ ràng. Tuy nhiên, phía Hachette thẳng thừng từ chối lời đề nghị đó.
Căng thẳng ngày một gay gắt khi Amazon cố tình chặn những đơn hàng đối với một số quyển sách của Hachette như tiểu thuyết The Silkworm của tác giả J.K. Rowling, tạo ra cuộc chiến hỗn độn trong ngành công nghiệp sách Hoa Kì.
Sau 3 tháng, có vẻ như cuộc tranh chấp giữa Amazon và Hachette vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Phản ứng của Jeff Bezos trong việc chặn đơn hàng và trì hoãn việc di chuyển hàng hóa đối với các tác phẩm của Hachette tạo ra nhiều luồng dự luận trái chiều. Dù kết quả của cuộc “cãi vã” này ra sao, thì nó cũng đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của Amazon với nhiều đối tác xuất bản lớn cũng như kết quả kinh doanh chung của Tập đoàn.
Theo Tinnhanhchungkhoan.
Bình luận