Thời gian gần đây, cơ quan công an liên tục phá các vụ án lừa đảo người dùng di động bằng hình thức phát tán tin nhắn lừa đảo như quảng cáo tải các phần mềm chơi game, phát tán đường link có nội dung sex... rồi lừa người dùng nhắn tin hoặc gọi điện vào các đầu số dịch vụ và bị trừ tiền trong tài khoản mà không biết. Đáng chú ý nhất là công an đã phá hai vụ lừa đảo người dùng di động với tổng số tiền thiệt hại lên đến nhiều tỉ đồng. Trong các vụ án lừa đảo liên quan đến đầu số dịch vụ, số tiền cước dịch vụ thu được các đối tượng ăn chia với nhà mạng theo tỉ lệ 45/55.
Theo Thanh tra Bộ TT&TT, hiện nay việc quản lí dịch vụ đầu số, nhất là đối với đầu số 1900xxxx còn rất lỏng lẻo. Các doanh nghiệp viễn thông chỉ cung cấp hạ tầng nên họ cấp dịch vụ đầu số tràn lan, dẫn đến nhiều nhà cung cấp dịch vụ nội dung thuê đầu số chỉ nhằm mục đích lừa đảo. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung có thể dễ dàng thuê cùng lúc nhiều đầu số, nếu bị phát hiện sai phạm, chặn đầu số dịch vụ này họ có thể dễ dàng chuyển đổi sang dùng đầu số khác và tiếp tục hành vi lừa đảo. Chi phí để kết nối với các telco và các doanh nghiệp viễn thông cũng không lớn, cho nên rất nhiều các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thuê hàng chục đầu số nhưng họ cung cấp dịch vụ nội dung rất nghèo nàn, chủ yếu là họ chỉ bằng mọi hình thức quảng cáo, phát tán tin nhắn rác để lừa đảo người dùng gọi hoặc nhắn tin lại đầu số dịch vụ nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Cũng theo Thanh tra Bộ TT&TT, rất khó có thể nắm được số liệu về số lượng các đầu số dịch vụ do các nhà mạng viễn thông cấp ra. Một nhà cung cấp dịch vụ nội dung có thể mở ra hàng chục đầu số, nhưng lại thay đổi rất nhanh, có những đầu số hoạt động một thời gian ngắn đã ngừng dịch vụ.
Qua các vụ án mới phát hiện gần đây, hiện tượng lừa đảo qua tin nhắn rác đã biến tướng tinh vi hơn so với những năm trước. Hành vi lừa đảo người dùng qua các tin nhắn rác thông thường như quảng cáo gọi lại đầu số dịch vụ để nghe tặng bài hát, tặng quà... đã giảm đi nhiều mà thay vào đấy là các tin nhắn lừa đảo "qua mặt" khách hàng. Những kẻ lừa đảo đã chuyển sang chiêu gửi tin nhắn có nhúng phần mềm ẩn danh như quảng cáo tải game, tải clip hot, clip sex... Chỉ cần người dùng click vào tin nhắn là các phần mềm này tự động kết nối vào các đầu số và bị trừ tiền mà không biết.
Chỉ cần tò mò click thử dù chỉ vài giây thuê bao di động có thể bị trừ từ 15.000 – 30.000 đồng. Chi phí ăn chia từ dịch vụ nội dung này lên tới 45%, trong khi chi phí để xây dựng các phần mềm lừa đảo, chi phí duy trì dịch vụ đầu số không đáng kể đã khiến nhiều doanh nghiệp nội dung sẵn sàng mở ra chỉ nhằm mục đích lừa đảo.
Thanh tra Bộ TT&TT có thời điểm đã xử lí hàng chục đầu số 1900xxxx vì liên quan đến hành vi nháy máy tạo cuộc gọi nhỡ, rồi khi người dùng gọi lại thì được kết nối tới hộp thư thoại trả lời tự động tiếp tục hướng dẫn họ gọi đến hệ thống các số dịch vụ giá trị gia tăng như 1900xxxx có giá cước từ 1.000 đến 15.000 đồng/phút, block tính theo phút. Tức là khách hàng chỉ cần bấm điện thoại kết nối đến đầu số nói trên 1 giây là đã bị trừ tiền bằng cuộc gọi 1 phút, nếu khách hàng gọi 1 phút 1 giây thì sẽ được tính cuộc gọi là 2 phút.
Mặc dù từ cuối 2012 trở lại đây, Bộ TT&TT liên tục có văn bản nhắc nhở các doanh nghiệp di động, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung, các đài PT-TH phải nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lí dịch vụ nội dung để ngăn chặn tin nhắn rác nhưng hiện tượng lừa đảo qua tin nhắn rác đã gây ra những thiệt hại cho người dùng ngày càng lớn.
Hồi cuối tháng 5, Công an Hà Nội đã phát hiện vụ công ty IMMC phát triển ứng dụng mời gọi người dùng bấm vào các clip hot, khi người dùng làm theo thì điện thoại di động tự động kết nối vào các đầu số 8x77, 8x71, 6x65, 6x66 và tự động trừ tiền của các thuê bao này 15.000 đồng/lần. Có hơn 800.000 thuê bao di động đã bị chiếm đoạt với tổng số tiền liên đến hơn 9 tỉ đồng.
Ngày 13/6, cơ quan công an cũng bắt giữ hai nhóm đối tượng mở 6 công ty chuyên hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo trên các đầu số 7x68 và 7x77 tới các thuê bao di động. Các đối tượng này đã phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo đến máy điện thoại di động của người dùng. Nếu trả lời các tin nhắn này người dùng bị trừ 15.000 - 30.000 đồng trong tài khoản. Tổng số tiền các đối tượng chiếm đoạt của người dùng điện thoại là 23 tỉ đồng.
Theo ICTnews.
Bình luận