Những game di động do các nhà phát triển trong nước làm ra nếu phát hành tại Việt Nam sẽ phải chịu chi phí rất lớn khi dùng thanh toán của nhà mạng

Trao đổi với PV, bên cạnh việc khẳng định các nhà phân phối không “o ép” các nhà phát triển, ông Trần Vinh Quang, Giám đốc điều hành cũng đưa ra một số hình thức thanh toán được cung cấp từ nhà mạng. Và từ đây có thể thấy nó có tác động rất lớn trong việc doanh thu mà các nhà phát triển được hưởng từ sản phẩm của mình làm ra.

Cụ thể, theo ông Quang, nhà mạng có các hình thức thanh toán như thanh toán qua SMS, đây là hình thức tiện lợi cho người dùng nhưng nhà mạng lại lấy chi phí tới 55% và 15% cho CP cung cấp đầu số; Thanh toán qua thẻ cào nhà mạng cũng lấy chi phí khoảng 12 - 15% về phía mình. Phần doanh thu nào qua kênh nào sẽ bị tính chi phí qua kênh đó.

Và như vậy, việc bị mất ít hay nhiều chi phí sẽ tùy thuộc và chiến lược thu tiền của nhà phát triển khi lựa chọn thanh toán qua kênh nào, nếu nhà phát triển lựa chọn SMS là phương thức thanh toán chính thì rõ ràng lợi nhuận mà họ thu về sẽ còn tối đa 38% tổng giá trị nạp của người dùng và từ đó dễ suy ra với các chiến lược thu tiền khác.

Ông Quang cũng khẳng định, chi phí cho nhà mạng, thì các nhà phát triển đương nhiên phải chịu, dù làm việc trực tiếp với họ hay thông qua các đơn vị phân phối. Chúng ta đang sống và kinh doanh tại Việt Nam nên vẫn cần phải tuân theo điều này.

Chính điều này cho thấy, việc các nhà phát triển tại sao nhận được doanh thu không như ý, có một phần nguyên nhân rất lớn từ chính sách thanh toán của nhà mạng, mà theo nhiều người trong ngành cho biết, cái này là câu chuyện của “độc quyền” và nhà phân phối không phải là người quyết định.

Ảnh
Và tỉ lệ ăn chia về thanh toán là do nhà mạng quyết định chứ không phải các đơn vị phân phối như Appota

Thực tế, câu chuyện tỉ lệ ăn chia giữa nhà mạng và các bên cung cấp nội dung (CP), như nhà phân phối, nhà phát triển…đã được bàn đến rất nhiều.

Nhiều con số về tỉ lệ ăn chia doanh thu “lí tưởng” đã được nhà mạng đưa ra cho các nhà phân phối, nhà phát triển như: Năm 2011, ông Nguyễn Mạnh Hùng, lúc ấy là Phó Tổng giám đốc Viettel đã đưa ý kiến là sẵn sàng chấp nhận chia sẻ 90% doanh thu với CP nếu họ làm được những nội dung mà nhà mạng không làm được như dữ liệu di động… nhưng con số này đã không bao giờ thành hiện thực.

Và mới đây, trong thông tin quảng bá cho hội thảo “Ý tưởng sáng tạo và tiềm năng hợp tác” dành cho các nhà phát triển ứng dụng sẽ được họ tổ chức vào tháng 8/2014 này, Viettel cũng cho biết các đối tác phát triển ứng dụng có thể được chia tỉ lệ doanh thu lên tới 60%.

Hay đại diện VinaPhone và MobiFone cũng cho biết, mức phân chia doanh thu đối tác được hưởng trên hai nhà mạng này từ 21% đến 65% tùy theo mô hình hợp tác và tùy theo nội dung và khẳng định đã có nhà phân phối hay nhà phát triển được họ chia tới 65% doanh thu.

Tuy nhiên, để có được tỉ lệ ăn chia từ 60% - 65% “lí tưởng” như trên, theo các CP đây là một điều rất khó, số lượng người đạt được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi để làm được điều này các CP phải có Platform và tự triển khai dịch vụ, tự cung cấp nội dung và tiến hành truyền thông, marketing cho sản phẩm của mình và chỉ sử dụng hệ thống thanh toán “độc quyền” của một nhà mạng duy nhất…

Chính vì thế, thực tế hiện nay, các CP cho biết, tùy vào các dịch vụ, nhà mạng vẫn lấy tỉ lệ ăn chia rất lớn, như con số cụ thể mà ông Trần Vinh Quang, Giám đốc điều hành Appota đã nêu ở trên.

Cho nên, việc các nhà phát triển cho rằng mình bị các bên trung gian “o ép” hay áp đặt, ăn chia không xứng đáng với công sức mình bỏ ra… cũng cần xem lại vấn đề thanh toán từ các nhà mạng, đặc biệt là khi họ “độc quyền” về lĩnh vực này trên di động.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)