Bên cạnh những mốc tăng trưởng người dùng mới luôn được xác lập cũng có những OTT giậm chân tại chỗ hoặc lặng lẽ rút khỏi thị trường.

Tại Việt Nam, các dịch vụ OTT (dịch vụ miễn phí gửi tin nhắn chữ, hình ảnh, hội thoại, video...) đã khá quen thuộc và phổ biến với Viber, Zalo, Line, KakaoTalk, Wechat. Tuy nhiên, thực chất, thị trường chỉ còn là cuộc đua giữa Viber và Zalo, một OTT nội và ngoại.

Chiến dịch quảng bá và cuộc đua OTT nội - ngoại

Năm 2013, thị trường ứng dụng nhắn tin miễn phí (OTT) tại Việt Nam sôi động với những chiến dịch quảng bá rầm rộ của các OTT để thu hút người dùng, chiếm lĩnh thị phần.

Đầu năm 2014, giữa lúc cuộc đua OTT đang khá nóng, thị trường đón nhận thêm một chàng tân binh Btalk của Bkav ra đời với khát vọng nâng cao chất lượng, phấn đấu mở rộng đối tượng sử dụng, trở thành phần mềm số 1, vượt qua cả Viber.

Tuy nhiên, mục tiêu này khá táo bạo bởi hiện nay, trên thị trường OTT Việt Nam, ngoài Viber khá mạnh thì Zalo cũng là một trong những ứng dụng đang hút khá nhiều người dùng và chiếm thị phần không nhỏ.

Theo tiết lộ mới nhất của Zalo, đơn vị này đã chạm mốc 15 triệu người dùng cùng 185 triệu tin nhắn chia sẻ qua hệ thống mỗi ngày. So với cột mốc 10 triệu vào giữa tháng 3/2014, OTT Việt đã có thêm 5 triệu người dùng chỉ trong 4 tháng.

Ngay khi Zalo tuyên bố đạt mốc 10 triệu, Viber cũng lập tức cho biết đã chạm mốc 12 triệu người dùng tại Việt Nam trong tháng 3/2014, tăng hơn 4 triệu người dùng so với hồi tháng 11/2013. Viber đã chú trọng marketing tại thị trường Việt Nam từ cuối năm 2013.

Còn với chàng “tân binh” Btalk, sau hơn 3 tháng chào đời, đến nay lượng người dùng của ứng dụng này là chưa nhiều và hệ thống mới chỉ có hơn 100.000 khách hàng.

Trong cuộc đua khốc liệt, việc một OTT Việt Nam vượt lên trước một đối thủ mạnh cả về tiềm lực tài chính, công nghệ là điều không dễ.

Điểm mấu chốt để thu hút người dùng trong cuộc đua với OTT ngoại được ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty VNG chia sẻ là do chiến lược của Zalo tập trung phục vụ thị trường nội địa, nhắn tin nhanh, ổn định và thiết kế sản phẩm để chạy tốt trên hạ tầng trong nước (2G-4G và Wi-Fi) cũng như phù hợp với các dòng điện thoại thông minh cao cấp lẫn cấp thấp.

Thực tế tại thị trường Việt Nam một số OTT ngoại sau thời gian rầm rộ, chi khá nhiều tiền cho hoạt động quảng bá đã mờ nhạt hoặc lặng lẽ, âm thầm rút khỏi thị trường Việt Nam.

Chia sẻ về điều này, ông Khải cho rằng, hiện nay, cuộc cách mạng mobile mới ở giai đoạn khởi đầu với nhiều diễn biến bất ngờ ở phía trước. Do vậy, trong thế giới Internet, đội ngũ làm sản phẩm phải liên tục cải tiến để giữ chân khách hàng cũng như đối phó với các đối thủ cũ có thể quay lại và các đối thủ mới, trẻ và sáng tạo sẽ xuất hiện hơn trong tương lai.

Còn theo ông Nguyễn Tử Hoàng, Phó chủ tịch phụ trách phần mềm Bkav, các phần mềm ứng dụng đều khá tương đương nhau về tính năng nên doanh nghiệp nào quảng bá mạnh, hút người dùng, bám sát thị trường hơn sẽ thành công.

Ở thời điểm thị trường đang phát triển mạnh, đặc biệt với tính cộng đồng cao của OTT, nếu các nhà cung cấp “sinh sau đẻ muộn” không có sự đột phá, không đưa ra được ứng dụng, tính năng mới khác biệt thì rất khó có cơ hội chen chân vào thị trường để có thể cạnh tranh, chiếm được người dùng.

Trước những ý kiến về việc thị trường OTT đã ngã ngũ và thị trường chỉ còn là câu chuyện của Viber và Zalo, ông Hoàng khẳng định, mặc dù đã có nhiều người dùng nhưng OTT chỉ là một phần phụ thêm. Cốt lõi để người dùng gắn bó với OTT và dùng chính vẫn là chất lượng ổn định với trải nghiệm mới.

Một năm trước, Yahoo Messenger đã từng là “ông vua” hút nhiều người dùng nhưng đến nay cũng bị “chìm” khi Facebook, OTT ra đời.

Bài toán cạnh tranh và doanh thu

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, nhu cầu người dùng và thị trường OTT là rất lớn và còn nhiều tiềm năng cơ hội cho những nhà cung cấp phần mềm dịch vụ chất lượng, tiện ích và trải nghiệm khác biệt. Với hầu hết các OTT ở Việt Nam hiện nay đều mới chỉ tập trung cho việc đầu tư quảng bá thu hút người dùng, chiếm thị phần mà chưa kinh doanh.

Với chàng “tân binh” Btalk, đây là một là dự án dài hơi và thời điểm này mới chỉ là bước chạy đà, thăm dò thị trường. Đầu tư riêng cho phần mềm của dự án hệ sinh thái này lên đến con số hàng trăm tỉ đồng, ông Hoàng chia sẻ.

Tuy nhiên, xét cho cùng, với một dự án cho dù ngắn hạn hay dài hơi được đầu tư tốn kém không ít tiền của thì cũng là bài toán kinh doanh và các nhà làm OTT không sớm thì muộn sẽ phải tính đến chuyện khai thác nguồn thu.

Ông Hoàng cũng cho biết, trong một vài năm tới sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống. Mục tiêu trước mắt là xây dựng thành một hạ tầng viễn thông mới, trên đó có nhiều nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng (nhắn tin lịch thi đấu, hình ảnh, chăm sóc khách hàng, phát triển thương mại điện tử, mua bán, chuyển khoản, tra cứu kết quả hoặc game...).

Chính những ứng dụng tiện ích, đa dạng trên OTT mà dịch vụ nhắn tin, gọi điện thông thường không có sẽ là những lợi thế để phát triển các loại hình dịch vụ giá trị gia tăng mang lại nguồn thu. OTT này phấn đấu trong 3-4 năm sẽ thành ứng dụng số 1, sau đó cung cấp các dịch vụ gia tăng có nguồn thu.

Còn phía Zalo, ông Khải chia sẻ, có 3 nguồn thu kinh doanh trên OTT, chính là quảng cáo hướng đối tượng, dịch vụ giá trị gia tăng (game, nhạc nền, hình động...) và thương mại điện tử.

Ông Khải cho rằng, thương mại điện tử trên di động sẽ bùng nổ cùng với OTT nhưng cần có khá nhiều thời gian để cụ thể hóa và thành công với mô hình này. Hiện nay, tất cả mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển, kể cả các OTT lớn của thế giới.

Theo Vneconomy.



Bình luận

  • TTCN (0)