Trong khi công nghệ màn hình hiển thị và phần cứng xử lí đồ họa liên tục được phát triển nhanh hơn và mạnh hơn, các cải tiến về độ phân giải cơ bản của thiết bị đã chững lại trong một thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Oxford và Đại học Exeter của Anh gần đây đã phát minh ra công nghệ hiển thị nanopixel mới, có thể tăng độ phân giải màn hình cao gấp 150 lần so với công nghệ hiện tại.
Về lí thuyết, nanopixel có thể cung cấp độ phân giải cao hơn chủ yếu do các điểm ảnh trên màn hình công nghệ này có kích thước nhỏ chỉ 300 x 300 nm (nanomet). Kích thước này nhỏ hơn 150 lần so với điểm ảnh đang có trong các màn hình truyền thống hiện này. Để có thể dễ hình dung, chúng ta có thể xem các điểm ảnh này đủ nhỏ để vẽ hình ảnh độ dày của một sợi tóc con người.
Hơn nữa, nanopixel còn thực hiện một quá trình gọi là công nghệ chuyển pha, nghĩa là các điểm ảnh tự chúng có thể chuyển qua lại giữa các chế độ bật và tắt trong mỗi chu kì làm mới.
Vì vậy, giống như công nghệ màn hình E-Ink được sử dụng trong máy đọc sách e-Reader, nanopixel cũng chỉ yêu cầu làm mới khi trạng thái của chúng thay đổi. Điều đó cũng có nghĩa là chúng sẽ tiết kiệm một lượng điện năng đáng kể so với công nghệ màn hình LCD thông thường.
Màn hình công nghệ nanopixel mới sẽ cực kì mỏng và có thể uốn cong, phù hợp cho những thiết kế màn hình tương lai dùng cho các loại màn hình có thể gập lại, màn hình tích hợp trong kính chắn gió, màn hình smartglass và màn hình tích hợp trong võng mạc.
Các nhà nghiên cứu cho biết, nanopixel cũng có thể sử dụng trong loại màn hình siêu mỏng với độ phân giải cực cao, có thể lên đến hàng tỉ pixel, đồng thời có khả năng tiêu thụ ít điện năng hơn nhiều trong quá trình hoạt động.
Giáo sư Harish Bhaskaran của Trường Đại học Oxford cho biết, nhóm nghiên cứu của ông vẫn đang tập trung tìm hiểu mối quan hệ giữa khả năng điện học và quang học của các loại vật liệu đổi pha. Do đó, vẫn chưa có thời gian cụ thể về việc giới thiệu một loại màn hình công nghệ nanopixel mới này.
Theo PCWorld VN.
Bình luận