Theo quyết định trên, đến năm 2020, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có công nghệ tiên tiến, năng suất lao động cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, đóng góp lớn cho kinh tế quốc dân.
Đồng thời, sản xuất được những sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên tiến cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
Đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp điện tử phải tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 10% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất cao nhất.
Đến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường.
Để thực hiện được mục tiêu trên, theo quyết định, có 6 vấn đề chiến lược cần tập trung thực hiện gồm: phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử; phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử; phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử; thu hút đầu tư các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới; phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử; hình thành các cụm công nghiệp điện tử.
Ngoài nội dung về phát triển ngành công nghiệp điện tử, chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam được Thủ tướng phê duyệt còn tập trung vào 3 nội dung khác là phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản và phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Trong đó, có mục tiêu tăng tổng sản lượng nông nghiệp từ 220 tỉ USD năm 2010 lên 430 tỉ USD vào năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000 USD; tỉ trọng GDP ngành nông nghiệp chiếm 15%; năng suất lao động sản xuất từ 740 USD/người năm 2010 lên 2.000 USD/người vào năm 2020; giảm tỉ lệ người lao động trong ngành sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp từ 49% năm 2010 xuống 30-35% vào năm 2020.
Theo VnEconomy.
Bình luận