Nói một cách khác, VNPT thực sự không muốn "chơi hoành tráng quá mức" khiến dẫn tới vốn bị tồn đọng và đầu tư không hiệu quả.

Chia sẻ này khiến nhiều người không khỏi liên tưởng đến đề xuất của các nhà mạng trước đây với Bộ TT&TT về việc nên đẩy sớm việc cấp phép 4G. Lập luận khi đó của các doanh nghiệp viễn thông là thay vì trong năm 2015 như dự kiến, giấy phép triển khai 4G nên cấp sớm hơn để "bắt kịp xu hướng" thế giới.

Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế thì các nhà mạng vẫn đang tỏ ra rất mặn mà với 3G.

Trong khi vị lãnh đạo nói trên của VNPT khẳng định rằng, hiện tại, công nghệ 3G vẫn "quá đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu di động của người dùng trong nước" thì Viettel lại vừa triển khai một chương trình "Kích hoạt cuộc sống của bạn với 3G" trên diện rộng. Tập đoàn này cũng tuyên bố, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2014 đã có thêm 9 triệu thuê bao 3G mới. Còn theo số liệu từ Bộ TT&TT, hiện Việt Nam đã có 25% dân số sử dụng 3G.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng nhu cầu về 4G tại Việt Nam chưa đủ lớn nên các nhà mạng vẫn dồn sức cho 3G như vậy?

Từ góc độ của một chuyên gia, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam nhấn mạnh rằng, chuẩn bị cho 4G không có nghĩa là ngừng đầu tư cho 3G và ngược lại, tiếp tục đầu tư cho 3G không có nghĩa là làm chậm tiến độ triển khai 4G. Đây là một xu hướng phổ biến trên thế giới chứ không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Nói cách khác, các nhà mạng vẫn nên tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng 3G, bổ sung thêm những dịch vụ mới trong những năm tới như công nghệ 2 sóng hay 3,5G, cùng lúc với việc chuẩn bị cho 4G. Hai nhiệm vụ này cần tiến hành song song với nhau. Trên thế giới, một số mạng lớn khi mới triển khai 4G thì mạng 3G của họ đã đạt đến tốc độ 84 MB/s, tương đương 3.75G.

Ảnh
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm VN khẳng định phát triển 3G và triển khai 4G cần tiến hành song song với nhau.

"Kể cả khi Việt Nam có 4G thì 3G và 4G sẽ vẫn tồn tại song song trong một thời gian rất dài nữa, giống như GSM 2G đã tồn tại 20 năm nay rồi. Về mặt công nghệ thì 4G được thiết kế để chạy những ứng dụng về data là chủ yếu, việc gọi điện trên nền 4G hiện chưa phổ cập. Do đó, khi VN triển khai 4G, nếu khách hàng gọi điện thì smartphone vẫn phải quay ngược về 3G để thực hiện", ông Nam giải thích. Nói một cách ngắn gọn thì hai công nghệ này hoàn toàn không đối lập nhau về mặt chiến lược phát triển của nhà mạng.

Vị chuyên gia này lấy hình ảnh hệ thống đường cao tốc để so sánh với 4G và khả năng ứng dụng thực tế của công nghệ này. Theo đó, 4G giống như hệ thống đường cao tốc, được xây dựng ở một số tuyến đường đặc biệt, phục vụ một số nhu cầu đặc biệt. Một khi chạy lên cầu thì người dùng phải chấp nhận trả phí cao hơn. Ngược lại, những ai không có nhu cầu thì cứ tiếp tục đi theo đường bình thường và sẽ không phải trả thêm phí.

Tất nhiên, nếu nhà mạng không xây cầu thì mọi người vẫn đi theo đường cũ. Nhưng một khi đã xuất hiện hệ thống đường cao tốc thì sẽ có những ứng dụng ra đời để tận dụng hạ tầng đó. Chẳng hạn như có người muốn download phim Hollywood chuẩn HD về smartphone để xem ở sân bay hay trên ô tô thì chỉ có 4G mới giải quyết được bài toán ấy. 4G sẽ mở ra rất nhiều mô hình kinh doanh mới, những nguồn thu mới cho nhà mạng mà bây giờ có thể họ chưa nhìn thấy, ông Nam phân tích.

Chiến lược triển khai là mấu chốt

Ảnh
75% người dùng VN vẫn chưa có cơ hội tiếp cận 3G.

Có một thực tế là 4G phát triển vượt bậc sẽ là một xu hướng áp đảo của thế giới năm nay, khi có thêm 300 mạng 4G mới ra mắt tại 100 nước trên thế giới cùng với 500 mạng khác đang rục rịch ra mắt.

Việc một thị trường chuyển lên 4G nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chiến lược giá cước của nhà mạng là một yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, chiến lược triển khai 4G cũng đặc biệt quan trọng. Có những nhà mạng triển khai toàn quốc, tổng lực, đầu tư lớn ngay từ đầu nhưng cũng có nhà mạng lại chỉ chọn triển khai theo từng giai đoạn. Họ xác định 4G là dịch vụ cao cấp nên chỉ tập trung phủ sóng các thành phố lớn trước, nếu thành công rồi mới mở rộng ra những thành phố nhỏ. Cũng có nhà mạng lại khai thác các tính năng chỉ có ở 4G để cung cấp các dịch vụ đặc biệt, thí dụ như dùng 4G để làm wireless local hub. Với công nghệ này thì ở những vùng sâu vùng xa không thể kéo cáp đến được, nhà mạng có thể sử dụng luôn 4G để triển khai Internet, TV, điện thoại trên nền không dây.

Theo ông Nam, chiến lược chọn băng tần cũng rất quan trọng vì băng tần sẽ quyết định cách thức đầu tư của nhà mạng như thế nào. Xu hướng giá của các thiết bị 4G cũng là yếu tố cần xem xét đến, bởi nếu smartphone 4G giá vẫn cao thì sẽ ít người dùng, nhu cầu sử dụng 4G sẽ thấp. Tuy nhiên, tin vui cho người dùng là giá thiết bị đầu cuối đang giảm dần vì số lượng thiết bị 4G được tung ra thị trường ngày một tăng lên. Bên cạnh đó, các hãng chip như Qualcomm cũng đã cố gắng tích hợp chuẩn 4G LTE vào các chipset tầm trung như Snapdragon 401 để kéo giá thiết bị phần cứng 4G xuống thấp.

Cuối cùng, làm sao vẫn khai thác được hiệu quả 3G khi đầu tư cho 4G cũng là một đề bài mà các nhà mạng cần tính đến.

Mô hình trợ giá mà các nhà mạng thế giới đang áp dụng phổ biến có thể là một giải pháp mà các nhà mạng Việt Nam nên cân nhắc, vì lợi ích mang lại về lâu dài sẽ cao hơn số tiền mà nhà mạng trợ giá cho điện thoại. Các nghiên cứu đều cho thấy, người dùng 3G có xu hướng trả cước nhiều hơn hẳn người dùng 2G vì họ không chỉ sử dụng thoại, tin nhắn mà còn tích cực truy cập các dịch vụ nội dung, dữ liệu, ứng dụng hơn. Do đó, nhà mạng hoàn toàn có cơ hội bù đắp chi phí trợ giá bằng giá cước, vị đại diện Qualcomm khuyến nghị.

Theo VietNamNet.



Bình luận

  • TTCN (1)
Lưu Chương Dũng  16

Đúng như vậy !!!

Thế là đúng !! Vì Vinaphone còn phải đạt được tốc độ 84 Mbps theo mạng 3G tốc độ cao nhất hiện nay kia mà. Hãy làm tốt ở mức tốc độ 84 Mbps trên mạng 3G đi đã. Mạng 3G tốc độ 84 Mbps hiện nay đã có như sau :
http://bit.ly/1wqT1my
Thân !!