Albert Yeung đã đệ đơn kiện Google lần đầu tiên vào tháng 8/2012 khi hãng này từ chối ngừng liên kết từ "triad" với tên ông ở phần "tự động hoàn thành" từ khóa tìm kiếm.
Thậm chí, các tên liên quan đến băng nhóm "triad" như "14k" và "Sun Yee On" cũng hiện lên khi tên của ông trùm kinh doanh này được gõ vào ô tìm kiếm.
Google đã yêu cầu một tòa án địa phương bác bỏ đơn kiện này vào tháng 12/2012, vì cho rằng nó không có gì là vi phạm đạo đức. Công ty này cho rằng các kĩ thuật viên không tác động vào chức năng tự động hoàn thành từ khóa tìm kiếm và kết quả không phải là "thuộc tính có ý nghĩa tiêu cực" đối với bất kì cá nhân.
Tuy nhiên, mới đây, một thẩm phán tòa án tối cao đã bác bỏ nỗ lực kháng cáo của Google. "Điểm đáng tranh trong trường hợp này là Google là nhà xuất bản của các từ khóa tìm kiếm và họ phải chịu trách nhiệm về việc xuất bản chúng", thẩm phán Marlene Ng nói trong phán quyết.
"Những lợi thế của việc có thể dễ dàng truy cập vào một hệ thống dữ liệu khổng lồ lưu trữ trên Google là điều không phải bàn cãi... nhưng lợi ích này lại đi kèm với cái giá của nó, bất kì thông tin sai lệch nào đó cũng có nguy cơ lây lan dễ dàng trên hệ thống các trang web", bà nói thêm.
Yeung, người sáng lập của tập đoàn Royal Group với nhiều công ty con hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh và bất động sản, cho biết uy tín cá nhân và doanh nghiệp của ông đã bị "tổn thất trầm trọng" bởi sự xúc phạm trên.
"Chúng tôi sẽ... tiếp tục có các hành động pháp lí chống lại Google vì các công bố vi phạm/lời nói xấu của hãng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Tiến sĩ Yeung", phát ngôn viên của Royal Group nói với AFP.
Google từng phải đối mặt với một vụ kiện tương tự ở Đức vào năm 2013 khi một doanh nhân giấu tên đã kiện chức năng tự động hoàn tất từ khóa tìm kiếm của Google liên kết tên của vị doanh nhân này với "Scientology" (một tổ chức tôn giáo kín) và "fraud" (gian lận). Phần thắng của vụ kiện cuối cùng nghiêng về doanh nhân Đức. Một tòa án Đức đã yêu cầu Google gỡ bỏ việc làm xúc phạm trên.
Theo Bizlive.
Bình luận