Thời gian gần đây, thông tin về việc Malaysia đặt mua 5 chiếc tàu ngầm mini Yết Kiêu do ông Phan Bội Trân (TP HCM) sáng chế đã gây sự chú ý rất lớn của dư luận.
Trước đó, năm 2010, chiếc tàu ngầm Yết Kiêu đầu tiên do ông Trân chế tạo và cũng là chiếc tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam đã chạy thử thành công tại bể bơi của Học viện Hải quân.
Cùng trong khoảng thời gian này, tại Hà Nội, một chiếc tàu hút bùn với vốn đầu tư hơn 3 tỉ đồng cũng được hoàn thành.
Dù chế tạo và chạy thử thành công từ 4 năm trước, nhưng tới nay, cả tàu ngầm Yết Kiêu và tàu hút bùn nói trên đều chịu chung một số phận, đó là chưa thể chính thức đưa ra sử dụng trong thực tiễn.
Về chiếc tàu hút bùn, đây là sản phẩm thuộc đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của TP Hà Nội”. Đề tài này do Viện nghiên cứu cơ khí thuộc Bộ Công thương thực hiện. Đề tài này được đánh giá là thành công trong việc nghiên cứu, chế tạo, tích hợp các hệ thống thiết bị chế tạo trong nước với bơm hút bùn nhập khẩu từ châu Âu tạo thành một tàu hút bùn công nghệ cao, chuyên dụng cho sông, hồ đô thị. Tàu có thể hút được gần như nguyên vẹn lớp bùn ở đáy sông, hồ. Việc hút và vận chuyển bùn của tàu được thực hiện từ đáy sông lên xe téc chở bùn trên bờ theo hệ thống đường ống kín không gây ô nhiễm môi trường. Năng suất bơm của tàu cao hơn các biện pháp đang áp dụng hiện hành.
Chiếc tàu nạo vét bùn đã được hoàn thành và bàn giao cho Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội từ tháng 9/2010. Trước đó, Viện nghiên cứu cơ khí phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiến hành khảo nghiệm hút bùn thực tế gần 2 tháng tại sông Tô Lịch.
Về lí do chiếc tàu phải “đắp chiếu” trong suốt 4 năm qua, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết là vì chưa xây dựng được định mức, đơn giá cho sản phẩm. Trong thời gian này, Công ty Thoát nước Hà Nội đã phải tự bỏ tiền ra để bảo trì, bảo dưỡng chiếc tàu.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Công thương cho rằng, từ trước đến nay, các sản phẩm khoa học công nghệ từ Trung ương đến địa phương sau khi nghiên cứu thành công đều được các đơn vị tiếp nhận ứng dụng.
Đến nay văn bản của Trung ương mới chỉ hướng dẫn phần định giá những trang thiết bị và máy móc hoàn chỉnh được mua trên thị trường phục vụ cho công tác nghiên cứu của các đề tài, dự án. Thiết bị nạo vét bùn là sản phẩm đồng bộ của đề tài được nghiên cứu, chế tạo ra thì chưa có hướng dẫn định giá.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 5/2014 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thành lập Hội đồng định giá tàu nạo vét bùn. Ngày 28/6/2014, một lần nữa tàu lại được đưa vào chạy thử. Bởi để có cơ sở xác định định mức thì phải đưa vào chạy ổn định trong thời gian khoảng 1 tháng.
Trao đổi với phóng viên ngày 5/8/2014, một cán bộ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xác nhận rằng, chiếc tàu hút bùn nói trên vẫn chưa thể đưa vào khai thác.
Một sản phẩm do chính cơ quan Nhà nước chỉ đạo thực hiện như tàu hút bùn mà sau 4 năm hoàn thành vẫn không thể đưa vào khai thác chỉ vì liên quan đến thủ tục hành chính. Như vậy, những sản phẩm khoa học do người dân tự sáng chế như chiếc tàu ngầm của ông Phan Bội Trân thì biết đến bao giờ mới được “trọng dụng”?
Hiện nay, chưa ai xác minh được việc Malaysia đặt mua 5 chiếc tàu ngầm của ông Trân là sự thật hay không. Tuy nhiên, việc người kĩ sư này sáng chế thành công tàu ngầm là có thật.
Trước những sáng chế khoa học lớn như tàu ngầm Yết Kiêu, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc đánh giá, kiểm định chất lượng. Dù những chiếc tàu ngầm này có chất lượng thế nào, đem lại hiệu quả trên thực tế hay không thì các cơ quan chức năng cũng cần có câu trả lời rõ ràng với ông Trân cũng như dư luận cả nước.
Theo VTC.
Bình luận