Hai chiếc này kích thước ngang nhau nhưng tầm zoom thì hơi khác. Ảnh: Cnet.

Tới thời điểm này, chiếc Olympus SP-570UZ đang thống trị võ đài với zoom 20x, Nikon cũng đang rục rịch với chiếc Coolpix P80. Cả hai đều có độ phân giải 10,1 Megapixel.

Trong thế giới của những chiếc máy ảnh siêu zoom, dĩ nhiên là người ta chỉ để ý tới tiêu cự mà thôi, zoom càng dài thì càng kéo gần được chủ thể lại. Tới thời điểm này, chiếc Olympus SP-570UZ đang thống trị võ đài với zoom 20x. Nhưng Nikon cũng đang rục rịch bám đuổi với chiếc Coolpix P80. Đưa hai võ sĩ 10,1 megapixel siêu zoom này lên võ đài tỷ thí xem những “chiêu thức” thiết kế, tính năng, thực thi và chất lượng hình sẽ được so tài ra sao.

Thiết kế

Chiếc Nikon Coolpix P80 có thể nhỏ hơn đối thủ nhưng hãy đừng đổ lỗi cho Olympus vì đã làm ra một chiếc SP-570UZ tráng kiện. Dẫu sao thì nó cũng có zoom quang 20x cơ mà. Cả hai xạ thủ đều có tay nắm rất vững chắc có bọc cao su, tuy nhiên nếu ai đó có bàn tay lớn thì SP-570UZ có lẽ hợp hơn.

Nút bấm của chiếc P80 có vẻ được sắp xếp gọn gàng trong khi anh chàng SP-570UZ lại hơi bừa bộn, và thực tế người dùng gặp đôi chút khó khăn khi tìm kiếm một vài chức năng.

Khi đo kích thước của 2 máy ảnh khi kéo zoom ra tối đa, mặc dù chiếc SP-570UZ có tầm zoom 20x, nhưng nó lại chẳng dài hơn đáng kể so với chiếc P80 ở tầm zoom 18x. Tầm xa hơn mà ống kính lại gọn hơn? Olympus đã có công thức tính chuẩn xác.

Kết quả: Hòa.

Tính năng

Ảnh
Olympus: Nút bật lên xuống giúp chuyển từ chế độ lấy nét tự động qua chỉnh tay, nhưng sử dụng nó cũng khá khó hiểu. Ảnh: Cnet.

Vì chiếc P80 chỉ có zoom 18x, nên sẽ là không công bằng nếu cứ đem ra so sánh với tầm zoom 20x của SP-570UZ. Tuy nhiên cái tạo ra sự cách biệt có lẽ lại là góc rộng. Với Nikon, mở rộng nhất tới góc 27 mm trong khi Olympus thêm được một xíu với góc 26 mm. 1 mm có vẻ như không đáng kể, nhưng trong một số hiếm trường hợp thì thêm một chút thôi cũng rất tiện. Thực tế thì số milimet càng nhỏ thì góc mở càng rộng – có lợi trong quá trình chụp.

Cả hai xạ thủ này đều có kiểu chống rung riêng cho mình. Chiếc P80 áp dụng chống rung quang (VR) của Nikon trong khi chiếc SP-570UZ sử dụng công nghệ chuyển dịch cảm biến để chống lại mờ nhòe. Nghe qua thì có vẻ như nhau, nhưng thực tế là cơ chế chống rung của Nikon hoạt động hiệu quả hơn.

Chiếc Olympus có cơ chế lấy nét bằng tay trong khi Nikon hoàn toàn dựa vào chế độ lấy nét tự động. Có nhiều phương án hơn thì cũng tốt, nhưng không hiểu sao Olympus thiết kế sao đó làm cho việc vận hành và kiểm soát lấy nét chẳng trực quan chút nào. Rốt cuộc người test đành "bó tay" và chuyển qua chế độ tự động.

Ảnh
P80 sử dụng thẻ SD còn SP-570UZ nhận thẻ xD-Picture Card. Ảnh: Cnet.

Người chụp hình có kinh nghiệm và đã sử dụng máy ống kính rời DSLR chắc hẳn sẽ thấy quen thuộc khi sử dụng vòng xoay zoom ở SP-570UZ. Còn P80 thì sử dụng nút zoom kiểu bập bênh thông thường, đặt cạnh nút bấm chụp. Cấu tạo vòng zoom của chiếc SP-570UZ giúp thao tác chính xác hơn. Mặc dù chức năng chỉnh tay có thể gán cho vòng zoom này nhưng chúng tôi nghĩ là cứ để như hiện tại thì hơn.

Bạn có thể gắn thêm đèn rời cho chiếc SP-570UZ (vốn dĩ đã có đèn gắn trong máy), điều này giúp cho người chụp linh hoạt hơn khi chụp thiếu sáng. Chiếc P80, trái lại, buộc những tay săn ảnh giới hạn với đèn theo máy mà thôi.

Khe cắm thẻ nhớ của chiếc P80 cho phép sử dụng thẻ SD/SDHC/MMC trong khi chiếc SP-570UZ chỉ chịu loại xD-Picture Card mà thôi. Những người chơi DSRL đều biết rằng thẻ SD giá mềm mại hơn, dung lượng cao hơn và lại tương thích với nhiều thiết bị nghe nhìn khác.

Dành thắng lợi: SP-570UZ

Thực thi

Ảnh
Pin Lithium-ion hay loại AA? Đơn giản chỉ là sự ưa thích cá nhân và kích cỡ thân máy. Ảnh: Cnet.

Trong quá trình thử nghiệm, phóng viên đã cố gắng tìm ra sự khác biệt nào đó về tốc độ thực thi, nhưng hai đối thủ này có vẻ rất ngang tài ngang sức. Thời gian khởi động giống nhau là 2 giây và độ trễ khi bấm chụp chỉ là 0,1 giây (có lẽ đây chỉ là độ trễ từ khi bấm nửa nút cho tới khi bấm suốt để chụp).

Cả hai máy đều bám đuổi rất sát khi so sánh tốc độ chụp liên tiếp, chiếc Olympus với tốc độ tối đa là 13,5 hình/giây trong khi Nikon chỉ chạy sau nửa bước với tốc độ 13 hình/giây. Dĩ nhiên chụp với tốc độ này thì kích thước hình chỉ là 3 Megapixel mà thôi. Thực ra chênh lệch 0,5 hình chẳng thể tạo ra sự khác biệt. Sau khi chụp được 30 tấm thì cả hai chiếc đều bị đầy bộ nhớ đệm.

Pin của chiếc SP-570UZ cho phép chụp được khoảng 390 kiểu trong khi chiếc P80 chỉ được khoảng 250 kiểu là “hết đạn”. Tuy nhiên, việc Olympus sử dụng pin AA có thể đã tạo ra sự khác biệt – chiếc pin Lithium đắt tiền có thể có mức năng lượng cao hơn. Nhưng với tư cách là một khách hàng, hẳn bạn không muốn phải chịu những chi phí ẩn để tăng khả năng thực thi.

Chiếc P80 sử dụng pin Lithium-ion trong khi chiếc SP-570UZ chạy bằng 4 pin tiểu cỡ AA. Nhiều người thích Olympus ở chỗ dễ kiếm pin khi cần nhưng đồng thời cũng thích kiểu dáng nhỏ gọn mà chỉ có thể có khi sử dụng pin Lithium-ion mà thôi. Rốt cuộc thì nguồn năng lượng sử dụng phụ thuộc vào ý thích cá nhân.

Ai dành thắng lợi: Hòa

Ảnh
Cả hai chiếc đều cho hình rất mịn ở ISO thấp nhưng nếu ép ISO lên thì mới thấy ai là kẻ chiến thắng. Ảnh: Cnet.

Cân bằng trắng của chiếc P80 chính xác hơn chiếc SP-570UZ, Olympus có vẻ như chưa xử lý được ám sắc khi gặp phải nguồn sáng vàng nóng (trong nhà). Nhưng nếu bật đèn flash thì cả hai đều cho hình với màu sắc chính xác và tự nhiên. Khi chụp ngoài trời, cả hai chiếc đều cho màu sắc và cân bằng trắng rất chính xác, ấy nhưng P80 cho màu vẫn trung thực hơn với bối cảnh trong nhà.

Nhiễu không xuất hiện ở ISO 64 với cả hai dòng máy. Hình ảnh trong sáng với các đường nét đầy đủ chi tiết. Tuy nhiên khi đẩy lên mức ISO 600 thì mới thấy ai hơn ai. Mặc dầu ta cũng thấy một vài hột nhiễu ở P80, nhưng thuật toán xử lý nhiễu đã làm sạch rất tốt mà không làm mất quá nhiều chi tiết. Chiếc SP-570UZ chưa được tốt lắm khi vẫn để lại những hạt lốm đốm rất kỹ thuật số trên tấm ảnh, và khi áp dụng xử lý nhiễu thì chi tiết cũng mất đi luôn cùng với nhiễu.

Thắng lợi thuộc về: P80

Kết luận không có ai dành thắng lợi.

Ảnh
Olympus SP-570UZ là chiếc máy ảnh với nhiều tính năng. Ảnh: Letsgodigital.

Rõ ràng rằng nếu ai đó tìm kiếm một chiếc máy ảnh với rất nhiều tính năng thì lựa chọn chiếc Olympus SP-570UZ là rất hợp lý, còn nếu chăm chăm vào hình ảnh thì chắc hẳn sẽ thèm muốn chiếc Nikon P80. Cả hai chiếc máy ảnh này đều là lính mới tò te mà hiện tại trong mấy tháng liền ở bảng xếp hạng 10 máy hàng đầu, chỉ có chiếc Panasonic Lumix DMC-FZ18 là đại diện siêu zoom duy nhất liên tục có mặt. Liệu hai chú lính mới này có giành được sự quan tâm như thế không? Chỉ có thời gian mới trả lời được.

Độc giả đánh giá hai máy ảnh trên bằng thang điểm 10:

  • Olympus SP-570UZ : 8.1
  • Nikon Coolpix P80 : 8.5
(Theo Sohoa/Cnet)


Bình luận

  • TTCN (0)