Đây chính là những “lỗ hổng” để xảy ra các vụ lừa đảo với số lượng người bị lừa rất lớn, thậm chí nhiều vụ việc kéo dài mới được cơ quan chức năng phát hiện đã gây bức xúc trong dư luận.

Lạc mất niềm tin

Chị Hoài Thu, nhân viên ngân hàng Ocean bank vừa đặt mua một đôi giày qua một shop trên facebook. Nhận hàng qua bưu điện và thanh toán xong, chị Hoài Thu mới phát hiện đôi giày không giống như hình ảnh trên mạng, đồng thời có một số lỗi đường may nên liên lạc lại với người bán để đổi hàng.

Tuy nhiên, mọi nỗ lực liên lạc sau đó của chị Hoài Thu đều bất thành khi người bán không bắt máy, thậm chí chặn cả tài khoản của chị Hoài Thu trên facebook. Không chỉ riêng với chị Hoài Thu mà không ít người tiêu dùng sau khi thanh toán cho giao dịch, hoặc không nhận được hàng, hoặc nhận hàng kém chất lượng mà không thể đổi trả hay được hoàn tiền.

Đây không phải là số tiền lớn nhưng qua sự việc này những nhà kinh doanh đã khiến người tiêu dùng không còn tin tưởng vào kiểu kinh doanh qua mạng nữa.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp đã phải lên tiếng tố cáo lại những trường hợp khách hàng click chuột vào đặt hàng rồi lại không lấy, hoặc đặt hàng nhưng lại không đặt cọc và cho địa chỉ ma khiến doanh nghiệp nhiều lần khóc dở mếu dở đành phải mang hàng về. Một đợt hàng mà gặp vài trường hợp như vậy là hết cả lãi bởi tiền thuê người giao hàng, không giao được vẫn phải trả tiền công cho họ.

Chính vì vậy, theo kinh nghiệm của chị Quỳnh Trang, chủ shop quần áo tại trang muare.com, mỗi khi khách đặt hàng, chị đều phải yêu cầu đặt cọc 100%. Lướt qua trên một số diễn đàn phổ biến như muare.com, lamchame.com, nhan nhản những topic tố cáo lừa đảo mua bán hàng qua mạng, đang khiến nhiều người dùng trở nên dè dặt hơn trong giao dịch thương mại điện tử.

Cũng chính bởi chỉ cần ngồi một chỗ giao dịch nên khi mua hàng trên mạng, người tiêu dùng không thể “mục sở thị” sản phẩm, mà chỉ có thể nhìn qua ảnh chụp, đọc mô tả. Vì vậy, họ không thể xác thực được những thông tin về sản phẩm cũng như không có cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền lợi nếu tiến hành giao dịch. Xuất phát từ nguyên do này mà trên các diễn đàn hay mạng xã hội, việc giao dịch mua bán của các cá nhân hầu như không chịu sự quản lí của bất kì cơ quan nào khiến việc trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng trở nên phổ biến hơn và rủi ro cũng ngày một nhiều hơn.

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong 5 năm qua, có nhiều vụ lừa đảo bán hàng qua mạng giá trị lên tới vài trăm tỉ đồng, còn những vụ nhỏ thì không kể hết. Thậm chí, có một số vụ như trường hợp các Công ty Mua bán 24, Tâm Mặt Trời hay Cộng đồng Việt trước đây, từng lừa đảo hàng chục nghìn người, với tổng số tiền lên tới cả nghìn tỉ đồng. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận những lợi thế do thương mại điện tử mang lại, và không còn cách nào khác, để có thể mua được những sản phẩm ưng ý với quỹ thời gian eo hẹp thì ngay chính bản thân người tiêu dùng phải tự trang bị hành trang kiến thức để tự bảo vệ mình trước khi chờ đợi sự can thiệp của các cơ quan chức năng.

Tạo dựng lại thương hiệu

Cùng với nỗ lực xây dựng lòng tin từ chính những gian hàng, các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cũng đang dần trở nên chuyên nghiệp trong khâu đảm bảo an toàn cho cả người bán và người mua thông qua hình thức thanh toán tạm giữ. Theo đó, thông qua hệ thống thanh toán trực tuyến, tiền của người mua sẽ được một kênh trung gian tạm giữ. Đến khi người mua nhận được tiền theo đúng mô tả và xác nhận giao dịch thì người bán mới có thể nhận được tiền. Cũng thông qua hình thức này, người bán cũng có thể chuyển hàng cho người mua và yên tâm rằng sẽ được thanh toán đầy đủ.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc Liên doanh Chodientu - Ebay khuyến cáo người tiêu dùng nên sử dụng các ví điện tử khi thanh toán cho các đơn hàng online. Trong trường hợp người bán không giao hàng đúng mô tả thì người mua sẽ nhận lại được tiền do ví điện tử như nganluong.vn trả lại. Ngoài ra, người bán hàng cũng được khuyến khích chấp nhận thanh toán bằng nganluong.vn. Để xây dựng môi trường thương mại điện tử chuyên nghiệp thì phải có đông người mua, người bán mới tìm đến để trả tiền cho những dịch vụ thương mại điện tử chuyên nghiệp đó. Vì vậy, thương mại điện tử Việt Nam nếu không có sự chuyên nghiệp và phục vụ cho người mua người bán một cách tốt nhất thì mãi mãi sẽ chỉ là các website rao vặt.

Bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Pháp chế (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương) cho biết số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam khai thác thương mại điện tử không ít nhưng “con sâu là rầu nồi canh” khiến cho hiệu quả khai thác không cao. Đáng nói nhất trong đó là việc nhận thức về luật của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp, dẫn tới nhiều vụ tranh chấp, cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử bán lẻ, nhiều doanh nghiệp còn chưa thực hiện đầy đủ các yêu cầu của luật khi mở website bán hàng trực tuyến. Bên cạnh đó, việc thiếu vắng các giải pháp thanh toán đồng bộ khiến cho việc mua hàng của người dùng chưa thực sự tiện lợi.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phát triển Thương mại Điện tử Quốc gia đến năm 2020 với nhiều nhóm chương trình và hoạt động lớn như hệ thống thanh toán thương mại điện tử Quốc gia (KeyPay.gov.vn); các giải pháp bán hàng trực tuyến, giải pháp xây dựng lòng tin thông qua việc gắn nhãn uy tín cho các website thương mại điện tử đủ yêu cầu, các chương trình vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt....

Tuy nhiên, "Trong lúc chờ đợi các giải pháp vĩ mô được triển khai thì bản thân doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần năng động hơn, tự tìm đến Internet và khai thác các công cụ, tính năng của nó để phục vụ cho công việc kinh doanh của mình," bà Lại Việt Anh nói.

Theo bà Vũ Thị Bạch Nga, Ban bảo vệ người tiêu dùng - Cục Quản lí Cạnh tranh (Bộ Công Thương), dù giao dịch trên mạng hay giao dịch trực tiếp với người kinh doanh thì người tiêu dùng cũng phải tự bảo vệ mình trước, tự nâng cao kiến thức tiêu dùng về thương mại điện tử. Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có những bước tiến đáng ghi nhận. Người tiêu dùng trong nước là nhân tố thúc đẩy sự phát triển, và cũng là rào cản cho sự phát triển tùy thuộc vào sự ủng hộ và niềm tin với hình thức giao dịch không còn quá mới mẻ tại Việt Nam này. Vấn đề bảo vệ quyền lợi, trên cơ sở đó tạo dựng lòng tin của người dùng tuy không dễ, nhưng không phải khó thực hiện, khi người bán biết, hiểu, và thực hiện đúng trách nhiệm của mình./.

Theo Vietnamplus.



Bình luận

  • TTCN (1)
Khoan Cắt Bê Tông  30

lấy bài về có sai phải sửa chứ nhỉ?

Thiệt bó tay là đi bê nguyên si bài báo khác về có lỗi sai chình ình mà không sửa, để đọc lên nghe chối thật.

Đến khi người mua nhận được tiền theo đúng mô tả và xác nhận giao dịch thì người bán mới có thể nhận được tiền. <= người mua nào nhận được tiền? họ phải nhận hàng mới đúng.