Những lo ngại

Trong bối cảnh đại dịch Ebola đang bùng phát ở châu Phi mà thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, ngày càng có nhiều người lo ngại rằng các tổ chức khủng bố có thể lợi dụng loại vi rút khủng khiếp này để chế tạo “bom bẩn” phục vụ cho âm mưu đen tối của chúng.

Một số người đã nghĩ đến viễn cảnh một ngày nào đó vi rút Ebola sẽ được sử dụng như một loại vũ khí sinh học trong tay những kẻ khủng bố, và loại vũ khí đáng sợ này sẽ gây ra thảm họa kinh hoàng trên toàn thế giới.

Kể từ khi đại dịch Ebola bắt đầu bùng phát ở Guinea vào tháng Ba năm nay, nó đã cướp đi sinh mạng của hơn 1000 người ở 4 quốc gia Tây Phi và lây nhiễm trên tổng cộng hơn 1.700 người, với tỉ lệ tử vong có thể lên tới 90%.

Ảnh
Đại dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của hơn 1000 người ở Tây Phi

Sự lây lan khủng khiếp của đại dịch Ebola đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới phải vào cuộc và tuyên bố Ebola là tình trạng khẩn cấp toàn cầu khi cho rằng đây là đợt bùng phát khủng khiếp nhất của loại vi rút được phát hiện trên người từ năm 1976 tới nay.

Theo Cơ quan Sinh học-Y tế Liên bang Nga (FMBA), nguy cơ vi rút Ebola được sử dụng để chế tạo vũ khí sinh học không phải là không có thật.

Trong một cuộc họp báo tổ chức gần đây ở Moscow, ông Vladimir Nikiforov, Cục trưởng Cục nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Đào tạo nâng cao của FMBA khẳng định: “Nguy cơ đó là có thật”.

Hãng tin RIA-Novosti dẫn lời chuyên gia này nói: “Trong thực tế, loại vi rút này có thể được sử dụng ở dạng xịt và có thể gây ra rắc rối vô cùng lớn”.

Theo ông Nikiforov, mặc dù thế giới đã có Công ước Vũ khí Chất độc và Sinh học từ năm 1972, song việc theo dõi các âm mưu chế tạo vũ khí sinh học, đặc biệt là với các tổ chức khủng bố, là vô cùng khó khăn.

Ảnh
Vũ khí sinh học có thể được chế tạo ở những phòng thí nghiệm nhỏ. Ảnh minh họa

Ông nói: “Vũ khí sinh học không hề giống như vũ khí hạt nhân. Để chế tạo được bom hạt nhân, người ta cần phải có mỏ urani, lò phản ứng hạt nhân và nhiều trang thiết bị khác. Trong khi đó, vũ khí sinh học có thể được chế tạo trong một phòng thí nghiệm nhỏ được ngụy trang dễ dàng”.

Trong bối cảnh các tổ chức khủng bố và Hồi giáo cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới, ông Nikiforov thừa nhận rằng ông “không thể đảm bảo được rằng một số quốc gia không chuẩn bị những loại vũ khí sinh học như vậy”.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The Sun của Anh, chuyên gia nhân loại học Peter Walsh thuộc Đại học Cambridge cho rằng thế giới cần phải thực sự cảnh giác với mối đe dọa từ bom Ebola.

Ông Walsh cảnh báo rằng bọn khủng bố có thể “chế loại vi rút này thành dạng bột”, cho vào bom và kích nổ nó ở những thành phố đông dân cư, gây ra đại dịch Ebola trên toàn cầu và cướp đi sinh mạng của vô số nạn nhân.

Ảnh
Bom bẩn chứa Ebola có thể gây ra thảm họa nếu được sử dụng ở các thành phố đông đúc

Trong khi đó, hôm thứ Năm tuần trước, cựu quan chức y tế Nga Gennady Onischenko cho rằng không thể loại trừ khả năng có bàn tay can thiệp của con người trong đợt bùng phát dữ dội của đại dịch Ebola lần này tại Tây Phi.

Ông Onischenko nói: “Tôi rất lo ngại về mức độ lan tỏa và sự ghê gớm của tình hình đại dịch Ebola khi có quá nhiều người chết như vậy. Tôi không loại trừ khả năng có bàn tay can thiệp của con người ở đây. Liệu có gì đó do con người tạo ra trong trận dịch Ebola này hay không?”.

Liệu có lo xa?

Tuy nhiên, các chuyên gia về khủng bố sinh học cho rằng mọi người đã quá lo xa, bởi khả năng các tổ chức khủng bố chế tạo được bom bẩn chứa vi rút Ebola là vô cùng thấp.

Tiến sĩ Robert Leggiadro, một chuyên gia về khủng bố sinh học và bệnh truyền nhiễm ở New York (Mỹ) cho hay mặc dù Ebola bị liệt vào một chất khủng bố sinh học tiềm tàng, song điều đó không có nghĩa là loại vi rút này có thể được sử dụng để chế tạo bom bẩn.

Ông Leggiadro nói: “vi rút Ebola không thể tồn tại được lâu khi bị đưa ra khỏi cơ thể người hoặc vật chủ, thế nên việc vũ khí hóa nó là cực kì khó khăn”.

Ông Hamish de Bretton-Gordon, chuyên gia về an ninh hạt nhân, hóa học, sinh học ở Anh cho rằng trường hợp của ông Walsh là một ví dụ của hiện tượng thích gieo rắc nỗi sợ hãi.

Ông này khẳng định: “Cơ hội để đưa được vi rút Ebola vào vũ khí sinh học là nhỏ hơn cả không. Đó là điều không thể xảy ra”.

Theo các chuyên gia, để chế tạo được bom bẩn Ebola, đầu tiên bọn khủng bố phải có được một vật chủ còn sống (người hoặc động vật) bị nhiễm vi rút. Ngoài con người, vi rút Ebola tồn tại trên một số vật chủ khác như loài linh trưởng, dơi, linh dương, những loài không dễ gì bắt được trong tự nhiên.

Sau khi bắt được vật chủ, nó sẽ phải được chuyển tới một phòng thí nghiệm có đầy đủ thiết bị để trích xuất vi rút Ebola. Đây bắt buộc phải là những phòng thí nghiệm đạt cấp độ 4 về an toàn sinh học để những người làm việc bên trong không bị nhiễm vi rút, và phòng thí nghiệm kiểu này cũng không dễ có.

Ảnh
Phải có phòng thí nghiệm cấp độ 4 mới có thể trích xuất được virus Ebola. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, trên thế giới hiện này chỉ có khoảng hơn hai chục phòng thí nghiệp cấp độ 4. Nếu không có phòng thí nghiệm kiểu này, bất cứ kẻ nào tìm cách trích xuất vi rút Ebola từ vật chủ đều không tránh khỏi cái chết.

Ngay cả khi lấy được vi rút từ vật chủ trong phòng thí nghiệm cấp độ 4, bọn khủng bố cũng còn rất nhiều việc phải làm trước khi sử dụng Ebola làm vũ khí sinh học.

Ông Bretton-Gordon nói: “Quy trình vũ khí hóa một chất sinh học rất phức tạp và nhiều giai đoạn, trong đó có các bước làm giàu, tinh lọc, làm rắn, nghiền và điều chế”.

Đây là các bước cần thiết đẻ giúp chất sinh học trong vũ khí không bị tiêu diệt sau khi được phóng đi bằng tên lửa, được thả xuống bằng bom hoặc phát tán trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Ebola không phải là loại vi rút thích hợp để trải qua các giai đoạn trên.

Một lí do nữa khiến vi rút Ebola chưa từng được sử dụng để chế tạo vũ khí sinh học là vì nó không phải là một vi rút có thể chống chọi được với môi trường tự nhiên.

Ông Bretton-Gordon giải thích tiếp: “Nguyên nhân khiến vi khuẩn bệnh than được sử dụng để chế tạo vũ khí không phải là vì tỉ lệ gây chết người tương đương Ebola của nó, mà là bởi vì nó là một loại vi khuẩn rất khỏe.”

Ảnh
Virus Ebola không dễ dàng được sử dụng làm vũ khí như một số tác nhân khác

Vi khuẩn bệnh than có thể tồn tại hàng thế kỉ trong mặt đất, có thể chịu được sự đông giá hoặc nhiệt độ cực cao, không hề hấn gì bởi mưa gió, khô hạn. Trong khi đó, vi rút Ebola lại rất nhạy cảm với môi trường, và nó bị tiêu diệt ngay khi tiếp xúc với ánh nắng hoặc nhiệt độ cao.

Ngay sau khi bị đưa ra khỏi cơ thể vật chủ, vi rút Ebola chỉ có thể tồn tại trong một môi trường nhất định có nhiệt độ và độ ẩm khá cao. Bởi vậy, nếu bọn khủng bố có chế tạo được bom Ebola và sử dụng nó, điều kiện khí hậu không thuận lợi ở các thành phố phương Tây sẽ vô hiệu hóa vũ khí này rất nhanh chóng.

Không giống như các tác nhân khủng bố sinh học tiềm tàng khác có thể lan truyền nhanh chóng từ người qua người trong không khí (chẳng hạn như vi khuẩn bệnh than), Ebola lại không lây truyền dễ dàng như thế.

Ông Bretton-Gordon cho hay: “Không giống như trong các bộ phim viễn tưởng, vi rút Ebola không phát tán lơ lửng trong không khí để lây nhiễm cho mọi người, mà nó chỉ truyền từ người này sang người khác khi họ ăn thịt đã bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch thể của bệnh nhân”.

Tất cả những yếu tố trên đã khiến vi rút Ebola không thể có cơ hội để trở thành một loại vũ khí sinh học khủng khiếp như nhiều người vẫn tưởng, và giúp thế giới loại trừ một nỗi bất an về nguy cơ nổ ra đại dịch toàn cầu do bọn khủng bố gây ra.

Theo Khám Phá.




Bình luận

  • TTCN (0)