Thực tế đã chứng minh, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hàng năm cao, đặc biệt là tại các thị trường nước ngoài. Tốc độ đầu tư cao thời gian gần đây cũng cho thấy quyết tâm của tập đoàn này trong việc hiện thực hóa mục tiêu 15 tỉ USD doanh thu vào năm 2015. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn đang chờ Viettel ở phía trước.
"Độc chiêu"
Năm 2012, Viettel chính thức giữ vị trí số 1 trên thị trường viễn thông và là một tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu về cả doanh thu, lợi nhuận cũng như đóng góp vào ngân sách. Đây là công ty viễn thông có bước phát triển ấn tượng nhất, dù sinh sau đẻ muộn. Chặng đường của Viettel những ngày đầu với chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị".
Đối mặt với hai "đại gia" MobiFone và Vinaphone, Viettel không chọn cách đối đầu trực tiếp mà đi đường vòng - phủ sóng về khu vực nông thôn. Khi thành trì nông thôn của Viettel đã vững vàng với hệ thống trạm thu phát sóng hòa mạng hầu hết các tỉnh thành, nhà mạng này lại có thêm độc chiêu "vừa bán vừa cho" điện thoại Viettel, loại điện thoại chỉ dùng được sóng di động Viettel.
Chính sách khôn ngoan đó giúp Viettel trở nên gần gũi hơn với hình ảnh người nông dân cầm điện thoại di động khắp nơi, kể cả lúc thăm đồng. Nhờ chiến dịch marketing thông minh này, Viettel khai thác được một lượng lớn khách hàng nông thôn.
Trong một chính sách khác, Viettel lại sở hữu một lượng lớn đối tượng khách hàng là học sinh và sinh viên, khiến khi nhìn lại, những nhà mạng khác không khỏi ganh tị. Trong lúc các nhà mạng khác mải mê đánh chiếm những vùng xa mà bỏ lơ nhóm đối tượng này, Viettel đi tiên phong với những gói cước ưu đãi và gói cước phụ huynh.
Hầu như mức cước Viettel thu được không đáng kể ở phân khúc này. Tuy nhiên, đây chính là nguồn đầu tư cho tương lai của Viettel, những lớp học sinh đó sau này trở thành giới văn phòng, doanh nhân… người đem lại cho Viettel doanh thu lớn. Chính việc đầu tư bài bản và có phần ngược chiều so với những nhà mạng khác đã giúp Viettel đạt doanh thu "khủng" và lợi nhuận mỗi năm đều ở mức 20-25%.
Chiến lược của “nhà mạng khoác áo lính” là đi ngược dòng, xây dựng hệ thống trạm thu phát sóng ở các thành phố lớn, cạnh tranh sòng phẳng từ đó mà sinh ra tiền. Nắm chắc sân nhà, Viettel là một trong số những doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam tiến quân ra nước ngoài.
Gập ghềnh khó đi
Không thể nói Viettel không thành công khi xuất ngoại, tuy nhiên, khó khăn là chắc chắn có và không hề nhỏ. Giữa năm 2013, Viettel bị trượt thầu ở Myanmar. Trong tổng số bảy thị trường mà Viettel đang đầu tư ở nước ngoài, có những thị trường Viettel vẫn chưa trả hết nợ, chưa thu hồi được vốn. Dù có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng số tiền chuyển về nước hiện tại không phải là lớn. Những thị trường thành công như Haiti thì lợi nhuận lại thấp.
Hơn thế, hầu hết các nước mà Viettel đầu tư đều có nền kinh tế chậm phát triển, mức thu nhập bình quân thấp, là những quốc gia có địa hình không thuận lợi, nhiều đồi núi, nhiều thiên tai, hạn hán hoặc bất ổn về chính trị. Tất nhiên, khó khăn đã rõ ràng, nhưng theo lời Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng thì "nơi dễ dàng đã hết rồi". Viettel Global đang chuẩn bị tăng vốn điều lệ thêm 300 triệu USD. Mục đích là tạo điều kiện cho việc mở rộng hoạt động ra thêm 10-15 nước, tăng quy mô thị trường lên gấp 6 lần vào năm 2014.
Viettel cũng chính thức từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông để chuyển sang khái niệm nhà cung cấp. Hiện nay số nhân lực mà Viettel đầu tư cho phát triển ứng dụng gần 10.000 người. Đến năm 2015, sẽ có 40% người Viettel tập trung vào phát triển các ứng dụng. Viettel xác định doanh thu mà ngành viễn thông đem lại vào năm 2015 sẽ chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của Viettel trên toàn cầu.
Viettel cũng đang lấn sân sang hàng loạt lĩnh vực mới như: truyền hình trả tiền, quản lí dữ liệu, tìm kiếm việc làm, sản xuất thiết bị thông tin, bất động sản…
Theo ông Hùng, để đạt được doanh thu 15 tỉ USD trong năm 2015 thì Viettel phải có thị trường quy mô khoảng 500 triệu dân, doanh thu từ thị trường nước ngoài lớn gấp 3 - 5 lần thị trường trong nước. Trong khi đó, doanh thu hiện thời từ thị trường nước ngoài mới chỉ đạt khoảng 1/10 thị trường nội địa.
Năm 2013, mức doanh thu này cũng khá cao, khoảng 1 tỉ USD, tương ứng với mức tăng trưởng gần 30% so với năm 2012. Cứ cho rằng, liên tục trong 2 năm tới tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp này tăng lên khoảng 50% mỗi năm thì đến năm 2015, mảng kinh doanh nước ngoài cũng chỉ mới mang lại cho Viettel chưa đến 3 tỉ USD.
Nếu xét về mục tiêu chung thì năm 2013 tăng trưởng của Viettel ước đạt 15%, doanh thu khoảng 7,7 tỉ USD. Giả định Viettel duy trì liên tục mức tăng trưởng cao 20% mỗi năm cho đến năm 2015 thì công ty cũng chỉ đạt khoảng 11 tỉ USD, còn thiếu 4 tỉ USD mới đạt mục tiêu.
Như vậy, việc đạt đủ 15 tỉ USD doanh thu trong hai năm tới thực sự là thử thách lớn cho Viettel. Nhưng dường như việc tự đặt mình vào những thử thách mới càng mang lại cho họ niềm tin chiến thắng trong tương lai.
Theo Tgvn.
Bình luận