Trước khi Unitel (liên doanh của Viettel với một công ty Lào) đi vào hoạt động, điện thoại di động chỉ phổ biến ở khu vực thành phố. Người Lào chưa từng thấy cảnh nhân viên nhà mạng đi bán sim số rong ngoài đường như rao vé số bởi viễn thông là ngành dành cho những VIP.

Họ cũng không thể tưởng tượng được việc các đại gia viễn thông lại mò mẫm về những vùng quê nghèo chưa có điện lưới để mời chào người dân dùng điện thoại di động. Thế nhưng, mọi việc bắt đầu thay đổi từ tháng 10/2009 khi Unitel chính thức hoạt động.

Ảnh
Mạng di động có yếu tố Việt Nam đã phủ sóng khắp các vùng nông thôn nghèo tại Lào.

Giám đốc ‘nghìn tỷ’ đi xe máy

Tháng 5/2013, Nguyễn Huy Quang – Phó giám đốc Viettel Đăk Lăk (chi nhánh có doanh thu mỗi năm 1.200 tỉ đồng) sang nhận nhiệm vụ mới tại Unitel Luông Pha Băng (Lào). Khi Quang tới đây, Unitel đã là nhà mạng số 1 tại Lào với 49% thị phần viễn thông trên toàn quốc.

So với doanh thu của chi nhánh Viettel Đăk Lăk (Việt Nam), Luông Pha Băng chỉ đạt khoảng 8 triệu USD hay 160 tỉ đồng/năm. Thêm vào đó, lãnh đạo và nhân viên của công ty này cũng không hề có vẻ ung dung và hào nhoáng của một ông lớn viễn thông như nhiều người hình dung.

Nhận nhiệm vụ ở một chi nhánh có quy mô nhỏ hơn rất nhiều nhưng độ khó của Luông Pha Băng vượt xa Đăk Lăk.

“Ở Việt Nam, bộ máy và hệ thống hoàn chỉnh hơn, địa hình cũng không hiểm trở như ở đây, lại là nơi thân thuộc nên mọi thứ thuận hơn”, Quang tâm sự. Ở bất cứ nơi đâu, các lãnh đạo của Viettel đều phải đi tiên phong bán hàng ở những điểm phủ sóng mới nhưng Luông Pha Băng là vùng đầu tiên mà Quang phải đi xe máy tới 275 km, trong đó 150 km là đường đất. Nếu trời mưa, những vùng này không thể vào được. Ngoài ra, đường đi còn có đoạn leo núi mà đường chỉ có bề rộng 1,2 m với một bên là vực thẳm…

Ảnh

“Các anh lãnh đạo trước đều làm vậy cả mà còn khó khăn hơn rất nhiều khi mới mở mạng, chẳng ai biết đến Unitel là cái gì. Chứ mình bây giờ so với các anh ấy là ‘thiên đường’ rồi”, chàng thanh niên mới được bổ nhiệm làm Giám đốc Unitel vùng Luông Pha Băng (năm 2014) chia sẻ. Anh cho biết thêm, ngay cả tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Unitel cũng phải tự đi đến các vùng như vậy để làm tiếp thị, bán hàng làm gương cho nhân viên.

Nếu nhìn Quang đi tiếp thị, bán hàng ở các vùng sâu, vùng xa, sẽ ít người nghĩ đó là giám đốc Unitel vùng Luông Pha Băng. Thanh niên sinh năm 84 này cùng các nhân viên Lào đeo loa ở hông, với mic đi quảng cáo, bán dạo sim thẻ… ở những vùng quê rất nghèo. “Làm cái này không có nhiệt huyết thì khó lắm. Các anh đi trước bảo nếu có nhiệt rồi thì chơi được hết, chẳng có việc gì là khó cả, chỉ có dám làm và kiên trì hay không thôi”, 8x này nói.

Di động ở nơi không có điện

Khi tìm hiểu về kinh doanh di động tại Luông Pha Băng, hẳn nhiều người sẽ phát hiện ra một điều khó tin về Unitel. Đây là mạng viễn thông duy nhất ở Lào phủ sóng ở cả những vùng chưa có điện lưới quốc gia (chiếm tới 10% diện tích Luông Pha Băng – gần 1.700 km2). Thử hình dung ở những vùng còn chưa có điện, buổi tối nhà nhà phải thắp đèn dầu, đời sống người dân còn nghèo nhưng điện thoại di động thì rất nhiều người sử dụng mới thấy được khả năng khai thác thị trường của hãng viễn thông này.

Tại nhiều quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), di động một thời được coi là biểu tượng của công nghệ cao và dịch vụ dành cho giới nhà giàu. Trong khi đó, việc có điện chỉ biểu hiện mặt bằng sinh hoạt tối thiểu để không lâm vào tình trạng nghèo đói, lạc hậu. Thế nhưng, tại Luông Pha Băng, người dân chưa có điện nhưng vẫn có di động gọi í ới mỗi ngày. Cũng vì thế, việc Unitel có thể đem di động tới mọi nhà trong điều kiện nhiều vùng còn chưa phủ lưới điện có thể coi như một điều rất đặc biệt.

Ảnh
Quang (thứ... ) vừa qua khỏi đoạn đường đất, trong một lần đi bán hàng ở vùng xa.

Thế nhưng, với Quang và những lãnh đạo, nhân viên Unitel khác tại đây, họ không để ý đến việc tạo ra điều đặc biệt hay không. “Unitel cần phát triển mạnh hơn mỗi ngày để đáp ứng kế hoạch đặt ra thì cần khai thác thị trường còn trống. Giờ còn nơi đâu chưa dùng thì mình cần tìm ra cách để vào nơi đó. Việc có vậy thôi”, Quang chia sẻ.

Tại những làng bản ở Luông Pha Băng chưa có điện lưới, các trạm thu phát sóng đều phải chạy bằng máy nổ, ắc quy; còn sim thẻ, điện thoại cố định không dây (Unihome) được nhân viên Unitel phân phối tận nơi – điều mà không một hãng viễn thông nào tại Lào thực hiện. Đây cũng chính là những nơi chưa có đường nhựa, phải đi qua núi và chỉ có thể vào bằng xe máy khi trời không mưa với quãng đường lên tới hàng trăm km. Thế nhưng, Quang thì giải thích đơn giản: “Chiến lược của các anh ấy (lãnh đạo Unitel) là ‘Lấy nông thôn vây thành thị’ mà”.

Người dân Luông Pha Băng ở vùng chưa có điện thường sạc pin di động bằng ắc quy hoặc xuống chợ, tới vùng có điện để xạc "dế" về dùng.

Hiện tại, ở Luông Pha Băng, Unitel chiếm thị phần viễn thông (gồm di động và cố định không dây) lớn nhất nhưng riêng thị phần di động, Unitel chiếm 42%, vẫn thấp hơn 3% so với một mạng khác. Nhiệm vụ của Quang và những đồng nghiệp của mình tại vùng này là trong năm 2014 phải san bằng được khoảng cách nói trên. “Điện thoại cố định không dây (Unihome) thì mình chiếm tới 87% rồi, nhưng còn di động nữa thì phải cố. Nếu được tập trung đầu tư 3G tốt thì mình tin là sẽ đạt được mục tiêu thôi”, chàng giám đốc tâm sự.

Tại Unitel, Quang thuộc thế hệ lãnh đạo người Việt kế tiếp (sau lớp đầu tiên đi mở đường tại đất nước triệu voi). So với những người Việt Nam đầu tiên đến đây, Quang và đồng nghiệp của mình được hưởng những thành quả lớn từ những ngày đầu khó khăn gây dựng khi Unitel đứng bét bảng trong số các hãng viễn thông tại Lào. Với thế hệ lãnh đạo người Việt kế tiếp tại công ty này, khó khăn của họ là làm gì để vượt lên vị trí hãng viễn thông số 1 của Lào mà những người tiền nhiệm đã đạt được.

Theo Zing.



Bình luận

  • TTCN (0)