Hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng vừa được khánh thành tháng 7/2014. Ảnh: Internet.

Văn phòng Chính phủ vừa công bố thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp triển khai một số hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước diễn ra ngày 4/8/2014. Trong đó, giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng nghiên cứu, đề xuất nhân rộng mô hình hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng để áp dụng triển khai tại các địa phương khác nếu mô hình này thực sự có hiệu quả tốt.

Theo tìm hiểu, mô hình hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng được triển khai trên nền tảng phát triển ứng dụng Chính phủ điện tử nguồn mở eGov Platform, học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc.

Nền tảng eGov Platform tại Đà Nẵng được xây dựng trên công nghệ Java với khả năng mở rộng cao và giao diện thân thiện với người dùng, đã có đủ các chức năng hỗ trợ dịch vụ công liên thông trực tuyến. Sử dụng nền tảng này, chính quyền địa phương có thể cung cấp dịch vụ công đa kênh một cách đồng bộ qua cổng dịch vụ trực tuyến một cửa, trung tâm dịch vụ một cửa, tin nhắn SMS, điện thoại thông minh... Do xây dựng trên nền tảng nguồn mở, chuẩn kết nối mở nên sẽ dễ dàng tích hợp với các ứng dụng khác nhau, qua đó cắt giảm chi phí đầu tư, làm chủ được công nghệ và đảm bảo an toàn, an ninh.

"Thực tế đến nay, mô hình chính quyền điện tử Đà Nẵng đã đem lại hiệu quả thực tế cho người dân trong các giao dịch với cơ quan Nhà nước theo hướng dịch vụ. Người dân có thể sử dụng các dịch vụ trên mạng, thực hiện các thủ tục hành chính công trực tuyến, tra cứu các dữ liệu của Nhà nước một cách công khai và minh bạch. Hệ thống giúp cho người dân giảm thiểu những vấn đề nhũng nhiễu, gây khó khăn của một bộ phận cán bộ công chức trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời giám sát được hoạt động của cơ quan Nhà nước một cách trực tuyến", ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT, doanh nghiệp xây dựng và triển khai nền tảng eGov Platform cho Đà Nẵng cho biết.

Nền tảng eGov Platform đang được sử dụng để phát triển hơn 300 ứng dụng dịch vụ công trực tuyến cho thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, nền tảng này đã được dùng để xây dựng cổng thông tin điện tử của TP. Hà Nội, cổng thông tin điện tử của Vụ CNTT, Bộ TT&TT, dịch vụ công mức 4 của Bộ Y tế về Cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm...

Mới đây, DTT đã quyết định mở khóa toàn bộ nền tảng Chính phủ điện tử theo giấy phép mã nguồn mở Apache 2.0. Dự kiến, tháng 9/2014 sẽ đưa mã nguồn lên Github (mạng xã hội dành cho các nhà phát triển, giúp lưu trữ mã nguồn cho các dự án). Sau đó, các doanh nghiệp khác có thể tham gia phát triển đa dạng ứng dụng cho chính quyền điện tử.

Việc nhân rộng mô hình hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng nếu được thực hiện thành công ở nhiều địa phương sẽ góp phần giúp hiện thực hóa Mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ tại Việt Nam. Mạng này sẽ kết nối cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, tạo lập nền tảng triển khai thống nhất các hệ thống thông tin, các ứng dụng CNTT phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp.

Trao đổi với ICTnews, một số chuyên gia lưu ý, nhân rộng mô hình hệ thống thông tin chính quyền điện tử Đà Nẵng tại nhiều địa phương không có nghĩa là copy nguyên mô hình này về áp dụng. Mô hình tại Đà Nẵng không phải một dạng phần mềm dùng chung. Các địa phương cần tham khảo để áp dụng mô hình này theo tiêu chuẩn phần mềm nguồn mở phù hợp với điều kiện thực tế của mình cả về kiến trúc tổng thể, mô hình nghiệp vụ, mô hình thông tin, hạ tầng CNTT, yêu cầu về nguồn nhân lực, hệ thống thông tin, cơ chế chính sách phát triển ứng dụng CNTT,...

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)