Đây là những kết quả nổi bật sau hơn hai năm triển khai Chương trình mục tiêu Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2010-2015 do UBND thành phố ban hành. Thành quả của chương trình đã mang lại lợi ích cho cả cơ quan nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Triển khai đồng bộ các ứng dụng dùng chung
Chương trình mục tiêu Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015 được triển khai trong bối cảnh thành phố nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông (cơ quan thường trực thực hiện chương trình) cho biết, hơn hai năm qua Hà Nội đã tập trung ban hành hệ thống chính sách về ứng dụng CNTT đồng bộ. Cùng với đó, thành phố ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng CNTT, đẩy mạnh các ứng dụng. Hơn 329 tỉ đồng đã được đầu tư cho ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước.
Đến thời điểm này, các ứng dụng dùng chung như phần mềm quản lí văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thư điện tử của thành phố, chữ kí số, trao đổi các văn bản tài liệu chính thức, giao ban trực tuyến… được triển khai đồng bộ. Hiện tại, 100% sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và 60% xã, phường, thị trấn đã cài đặt phần mềm quản lí văn bản và hồ sơ công việc (vượt 10% so với chỉ tiêu đến năm 2015). Tỉ lệ công chức của thành phố được cấp hòm thư điện tử đạt 99,4% và viên chức (không bao gồm viên chức các đơn vị sự nghiệp ngành y tế, giáo dục) đạt 72%.
Ngoài ra còn có hơn 80 phần mềm chuyên ngành đang được ứng dụng trong nội bộ các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã. 5 đơn vị được chọn làm điểm thực hiện Đề án xây dựng cơ quan điện tử (UBND quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Chương Mỹ, Thạch Thất) cũng đã hoàn thành mục tiêu đặt ra. Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 có 10 sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và 18 xã, phường, thị trấn đạt cơ quan điện tử.
Theo đánh giá của bà Phan Lan Tú, ứng dụng CNTT đã giúp nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh hoạt động giao ban trực tuyến, tiết kiệm kinh phí hội họp, xăng xe, thời gian. CNTT còn giúp tiết kiệm nhiều khoản chi phí nhờ trao đổi văn bản, tài liệu chính thức giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử. Hiện tại, tỉ lệ văn bản chỉ đạo của UBND thành phố dưới dạng điện tử đạt 100%; của các cơ quan nhà nước với UBND thành phố đạt 85% (mục tiêu đến năm 2015 đạt 90%); giữa các cơ quan nhà nước với nhau đạt hơn 60%. Đó là chưa kể các ứng dụng nội bộ chuyên ngành như quản lí hộ tịch, tài nguyên - môi trường, tài chính... Nhiều đơn vị như Sở Kế hoạch - Đầu tư làm rất tốt việc ứng dụng CNTT. Mỗi cán bộ, công chức có mã số truy cập vào mạng và có thể nắm rõ thông tin liên quan tới công việc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện...
Cơ quan, doanh nghiệp, người dân... đều lợi
Một trong những đơn vị triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến là quận Hà Đông. Trưởng bộ phận "một cửa" Thái Thị Thùy Linh cho biết, nhận thấy lợi ích công dân và doanh nghiệp có thể giao tiếp với chính quyền 24/24h, ở bất cứ đâu có internet và chỉ phải đến bộ phận "một cửa" duy nhất 1 lần để thanh toán lệ phí, nhận kết quả… nên quận Hà Đông đã mạnh dạn triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 5 thủ tục. Đó là thủ tục thành lập trường mầm non, nhà trẻ dân lập tư thục; xác nhận đăng kí thang lương, bảng lương với các doanh nghiệp có sử dụng lao động từ 50 lao động trở xuống; cấp giấy phép xây dựng nhà ở; đăng kí bản cam kết bảo vệ môi trường và thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có nguy cơ cao.
Sau gần 3 tháng triển khai (từ tháng 5/2014) đến nay, bộ phận "một cửa" đã nhận được 402 hồ sơ trực tuyến, trong đó có 358 hồ sơ cấp giấy phép xây dựng nhà ở. Dù còn một số dịch vụ công trực tuyến chưa nhận được nhiều hồ sơ, song dư luận đánh giá, việc này mang lại lợi ích cho cả cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Đây sẽ là động lực để bộ phận "một cửa" quận Hà Đông tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh dịch vụ công.
Ngoài Hà Đông, nhiều quận, huyện, sở, ngành đã triển khai các dịch vụ công trực tuyến và thời điểm này toàn thành phố có 108 dịch vụ công. Trong số này, nhiều dịch vụ nhận được sự hưởng ứng rất cao từ phía người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 còn gặp khó khăn, vì không phải công dân nào cũng có thể sử dụng thành thạo internet. Bên cạnh đó, không phải thủ tục hành chính nào cũng có thể áp dụng mức độ 3. Do vậy, theo Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Phan Lan Tú, thời gian tới các đơn vị, sở, ngành cần nghiên cứu triển khai những dịch vụ công dựa trên nhu cầu cần thiết của tổ chức, công dân.
Những công việc cần làm từ nay đến hết năm 2015 còn nhiều, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, khó có thể bố trí đủ kinh phí cho chương trình như mục tiêu đặt ra. Chưa kể, hạ tầng kĩ thuật CNTT ở khối quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; hệ thống bảo mật an ninh, an toàn thông tin cần phải tiếp tục đầu tư… Nhưng, với những nỗ lực trong hơn hai năm qua, cái mà chúng ta có được là nền tảng của chính quyền điện tử đã hình thành; thứ hạng về mức độ ứng dụng CNTT tổng thể của Hà Nội đứng thứ 2 trên toàn quốc. Quan trọng hơn, cả cơ quan, doanh nghiệp và người dân đang được thụ hưởng những tiện ích mà CNTT mang lại.
Hiện nay, tỉ lệ máy tính/cán bộ cần sử dụng trong khối sở, ngành, quận của Hà Nội đạt 100%; khối huyện đạt 87%; cấp xã, phường đạt 70%. 100% sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã có mạng LAN và internet kết nối tới tất cả các phòng, ban trực thuộc; 100% UBND xã, phường, thị trấn có kết nối internet và 70% đơn vị, tương đương với 408 xã, phường, thị trấn có mạng LAN.
Theo Hà Nội Mới.
Bình luận