"Tâm lí giá rẻ”

Theo Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (VECITA), năm 2013, giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam đã cán mốc 45 ngàn tỉ đồng và có khả năng tăng gấp đôi con số này, tăng trưởng hơn 300% vào năm 2015.

Dự báo của EuroMonitor cũng cho rằng, đến năm 2016 dân số dùng internet của Việt Nam sẽ đạt 43 triệu người, tương đương khoảng 40-45% dân số, đây được xem là tỉ lệ vàng để thị trường thương mại điện tử bùng nổ.

Tuy nhiên, một khảo sát của VPBank Securities (VPBS) đối với ngành thực phẩm và đồ uống tháng 6/2014 cho thấy, xu hướng mua hàng trực tuyến chưa phổ biến ở Việt Nam dù có hứa hẹn tiềm năng. Cụ thể, đa số người tham gia khảo sát thường nghiên cứu sản phẩm và tìm kiếm thông tin sản phẩm trực tuyến, chiếm 72% và 70% tổng số người trả lời.

Các hoạt động trực tuyến khác bao gồm đọc quảng cáo, so sánh giá cả hàng hóa và truy cập trang website của nhà sản xuất cũng được thực hiện bởi phần lớn số người tham gia nghiên cứu. Đa số những người được hỏi đều tìm hiểu thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất trực tuyến, nhưng có ít hơn một nửa trong số họ mua hàng trực tuyến.

Về ý định mua hàng trực tuyến, thực phẩm và đồ uống xếp thứ tư với 39% tổng số người được hỏi, may mặc, giày dép và các phụ kiện, đồ gia dụng và điện thoại di động vẫn là ba nhóm hàng hóa mà người tiêu dùng có ý định mua nhiều nhất.

Tiềm năng là thế, nhưng theo ý kiến của nhiều DN, tình trạng của các đơn vị kinh doanh bán lẻ trực tuyến hiện nay vẫn đang đua giá rẻ, khuyến mãi, điều này được xem là cách làm trái ngược với xu hướng kinh doanh thương mại điện tử.

Theo ông Christopher B.Beselin, Giám đốc Điều hành, đồng sáng lập Lazada Vietnam, ở thị trường châu Mỹ, châu Âu có những website bán hàng trực tuyến chuyên về bán hàng cá nhân, còn ở Việt Nam, đa phần các website bán hàng trực tuyến đắt hàng do giảm giá hằng ngày.

"Có lẽ vì bản chất người Việt không tin vào chất lượng những món hàng bán trên mạng, nên thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam thường dựa vào sự giảm giá mạnh để thu hút khách hàng, chứ không dựa vào lòng tin hàng hóa của khách như ở Mỹ hay các nước châu Âu", ông Christopher B.Beselin, phân tích. Từ nhận định này, ông Christopher B.Beselin cho biết, Lazada Việt Nam vì thế cũng sẽ khác với Lazada ở các nước châu Âu là diễn ra ở những website bình dân hơn và thường ngày hơn.

Còn ở nhóm mặt hàng sách, văn phòng phẩm, ông Tạ Nguyễn Tấn Trương, Giám đốc Kinh doanh trực tuyến, Công ty CP Văn hóa Phương Nam, cho biết, sự khác nhau giữa phương thức bán hàng truyền thống và số hóa là chính sách giá rất cạnh tranh, để gia nhập và tồn tại, DN buộc phải liên tục khuyến mãi, không thì đồng nghĩa với chết.

Không kể đến những đơn vị có tiềm lực, mạnh vốn như Sendo.vn, Lazada.vn..., hầu hết các DN đang dần chuyển từ bán lẻ truyền thống sang bán lẻ online đều gặp chung cảnh khách hàng rất hạn chế do không thể cảm nhận được sản phẩm, hoặc sự nghi ngờ về chất lượng hàng hóa.

"Do đó, cách mà các DN chọn hiện nay vẫn là vừa bán hàng online, vừa bán hàng trực tiếp, giúp khách hàng có thể đến điểm mua hàng để kiểm định sản phẩm", ông Trương nói.

Lựa chọn mô hình

Lợi thế của bán lẻ truyền thống là tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, trong khi mọi giao dịch của bán lẻ trực tuyến đều phải qua internet, đây được xem là thách thức đối với các DN lựa chọn xu hướng này.

Bởi theo ông Christopher B.Beselin, với lượng đơn hàng khoảng từ 10.000 - 100.000/ngày sẽ là vấn đề vô cùng phức tạp đối với DN. Làm sao để đảm bảo tốt đội ngũ, dịch vụ giao hàng, số lượng hàng hóa, nhận lại tiền mặt... DN muốn thành công phải giải quyết được các vấn đề này để từng bước xây dựng lòng tin ở khách hàng.

Cụ thể, ông Christopher B.Beselin cho hay, hiện nay, phương thức kinh doanh trực tuyến đang chuyển đổi theo mô hình, truyền thống (khi có khách đặt hàng mới lấy về để trong kho đến khi khách nhận hàng). Mô hình này được đánh giá tốt nhưng gặp hai hạn chế là giới hạn không gian kho và tài chính (phải lớn).

Đó là lí do khiến nhiều DN tiến đến mô hình thứ hai (đang được áp dụng nhiều ở Mỹ) là kí hợp đồng với các nhà phân phối khi có đơn hàng, họ sẽ yêu cầu nhà phân phối chuyển hàng đến cho khách hàng cuối cùng.

Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là DN tiếp cận với quá nhiều với quảng bá, lên mạng, nhắn tin... cho nên mô hình thứ ba được xem là vượt qua hai mô hình kia là cung cấp quảng bá maketing và chỉ cần ghi lại DN nào muốn đăng kí mặt hàng trên website, được tạm gọi là chợ điện tử, như chotot.vn, sendo.vn...

Theo Christopher B.Beselin, hiện nay hệ thống bán lẻ truyền thống vẫn chưa chiếm giữ toàn bộ thị trường bán lẻ Việt Nam, đó là lí do vì sao thương mại điện tử, điển hình là mô hình chợ điện tử chắc chắn sẽ có triển vọng, nhất là khi mô hình này mở rộng được đến thị trường nông thôn. "Vì đây cũng là mô hình giúp Alibaba thành công ở thị trường thế giới", Christopher B.Beselin nhận định.

Theo Doanh nhân Sài Gòn.




Bình luận

  • TTCN (0)