Sử dụng các dịch vụ gia tăng di động đã trở thành nhu cầu thiết yếu của người dùng. Đến thời điểm này, thị trường dịch vụ gia tăng di động Việt được đánh giá là khá phong phú, cạnh tranh sôi động với nhiều hình thức. Tuy nhiên, tiềm năng thực sự của lĩnh vực này vẫn còn chưa được khai thác.

Kẻ tám lạng, người nửa cân!

Thị trường thông tin di động Việt Nam đã có tới 6 nhà khai thác dịch vụ thông tin di động và không lâu nữa con số chính thức sẽ là 7. Bên cạnh chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng, giá cả khuyến mại liên tục, một trong những ưu tiên hàng đầu của khách hàng khi lựa chọn mạng di động đó là được sử dụng các dịch vụ giá trị gia tăng. Nhu cầu này giờ đã được đáp ứng khá tốt với hàng loạt các dịch vụ mới được các nhà mạng nghiên cứu triển khai cung cấp. Có thể nói, cuộc "rượt đuổi" giữa các mạng di động trong việc cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng khá sát nhau. Hễ nhà mạng nào cung cấp một dịch vụ mới tới khách hàng thì sau đó không lâu, các mạng khác cũng rục rịch tiến hành, thậm chí còn tung ra cạnh tranh ngay.

Hiện MobiFone đang là một trong số doanh nghiệp dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia tăng với khoảng 40 dịch vụ được cung cấp. Trên nền thoại bao gồm: gọi số tắt, gọi quốc tế, chuyển vùng quốc tế, chuyển vùng trong nước, chuyển tiếp cuộc gọi, chặn cuộc gọi, giữ cuộc gọi, chờ cuộc gọi, hộp thư thoại, fax data, Funring, cấm hiển thị số, hiển thị số... Đặc biệt, với dịch vụ SMS và trên nền SMS bao gồm nhắn tin thông thường, nhắn tin đến các tổng đài 996, 997, 998, 8XXX, 1900XXXX,... Hầu hết những dịch vụ này của MobiFone, các mạng di động VinaPhone, Viettel, SFone, E-Mobile của EVN Telecom đều cũng đã cung cấp tới người dùng.

Mọi dịch vụ gia tăng chủ yếu từ nhắn tin SMS

Đánh giá về sự phát triển của thị trường dịch vụ giá trị gia tăng di động hiện nay của Việt Nam, ông Dương Minh Tuấn, Tổng giám đốc i-POP Việt Nam cho rằng, thị trường dịch vụ nội dung của Việt Nam hiện nay mới chỉ chủ yếu dựa trên dịch vụ nhắn tin SMS. Xem ra nhận định này đúng, bởi mọi con đường dẫn tới việc phát triển dịch vụ giá trị gia tăng hiện nay của các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chỉ được bắt nguồn và triển khai mở rộng từ dịch vụ truyền thống nhắn tin SMS.

Ngoài các dịch vụ gia tăng được các nhà mạng triển khai trực tiếp, số những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gia tăng di động của Việt Nam cũng đã lên tới con số hàng trăm, thị trường này đang có xu hướng bão hoà. Đã có thời những dịch vụ như nhận, tải nhạc chuông, hình ảnh, bài hát, rồi trò chơi trúng thưởng... được nhiều doanh nghiệp cung cấp đã hút người dùng khiến họ "hái ra tiền" song giờ cũng không còn "hot" như trước nữa.

Sôi động nhất trong số những tiện ích từ dịch vụ nhắn tin SMS hiện nay phải kể tới dịch vụ nạp tiền bằng tin nhắn. Đây được coi là bước tiến mới của tất cả các mạng di động thay cho những hình thức truyền thống mà người sử dụng điện thoại di động được thụ hưởng như nạp tiền thẻ cào, nạp tiền điện tử... Chẳng hạn như dịch vụ dịch vụ nạp tiền bằng tin nhắn - VnTopup của công ty cổ phần giải pháp thanh toán Việt Nam VNPAY. Từ khi dịch vụ được chính thức cung cấp cho mạng di động VinaPhone, tới nay, khách hàng của Viettel, SFone cũng đã được sử dụng dịch vụ này.

Theo đánh giá của ông Lê Tánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của VNPAY, thời gian qua, thị trường dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động đã phát triển rất nhanh song chủ yếu là các dịch vụ về nội dung giải trí với các giao dịch mua nội dung ở mức giá rất nhỏ và tính trực tiếp vào cước dịch vụ di động. Thừa nhận điều này, đại diện của mạng di động VinaPhone cho biết, doanh thu mà họ đạt được từ những dịch vụ giá trị gia tăng di động chỉ chiếm chưa đầy 10% trong tổng số doanh thu của dịch vụ di động. Mức doanh thu trung bình mà các nhà mạng khác đạt được cũng chỉ dao động trong vòng từ 10-20% mà thôi.

Sẽ có được sự đầu tư thích đáng?

Khi được hỏi nguyên nhân các dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp mà các mạng di động Việt Nam hiện nay vì sao chưa phát triển được cũng như khó hút người sử dụng, theo ông Marc Fossie, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Công nghệ của Orange France Telecom cho rằng, nguyên nhân giá thành là yếu tố số một. Dù là cao cấp thì giá thành của dịch vụ cũng phải thích nghi với mức sống của địa phương. Đó là điểm cốt lõi để các dịch vụ giá trị gia tăng cao cấp, những dịch vụ nền tảng của 3G có thể thu hút người sử dụng.

Ông Hoàng Trung Hải, Giám đốc VinaPhone cho biết, thời gian qua, do phải tập trung nhiều tới việc phát triển mạng lưới cũng như chất lượng dịch vụ thoại, VinaPhone đã chưa đầu tư nhiều cho việc phát triển các dịch vụ gia tăng. Tuy nhiên, ông Hải nhận định, hiện doanh thu từ mảng này chưa nhiều nhưng xu hướng trong thời gian tới sẽ cao. VinaPhone cũng đang xúc tiến phát triển những dịch vụ như vậy để có thể đáp ứng được nhu cầu của người dùng này một tốt hơn.

(Theo Vnmedia)



Bình luận

  • TTCN (0)