Trong nhiều tháng, fan hâm mộ Apple và các đối thủ không ngừng tiên đoán về hình dáng của đồng hồ iWatch, nhưng có lẽ điều khiến họ ngạc nhiên nhất lại là không có chiếc đồng hồ iWatch nào xuất hiện cả, thay vào đó là Apple Watch.
Lật lại lịch sử, Apple đã từng tự hào giải thích về chữ i đứng đầu tên các sản phẩm làm nên thương hiệu lừng lẫy này, bắt đầu từ máy tính iMac: “Trong Mac, 'i' có nghĩa là internet. Nhưng nó cũng có nghĩa là cá nhân (individual), tưởng tượng (imaginative) và rất nhiều những điều sản phẩm này mang lại".
Từ góc nhìn của một nhà chiến lược gia thương hiệu, sự thay đổi bất ngờ này có thể là điểm thú vị nhất trong sự kiện ra mắt sản phẩm của Apple tổ chức ngày 9/9. Chắc chắn, Apple không xem nhẹ việc đặt tên sản phẩm, và hẳn là đã có nhiều vụ tranh cãi nội bộ để dẫn tới cái tên cuối cùng: Apple Watch và Apple Pay. Thế nên giờ đây, không ít người đang tự hỏi tại sau Apple lại phá vỡ truyền thống đặt tên đã làm nên lịch sử với iMac, iPod, iPad và iPhone?
Giả thiết 1: Tránh nhàm chán
Cách đặt tên có chữ “i” phụ đứng đầu danh từ đã trở thành lối mòn trong gần 20 năm qua, xuất hiện trong vô số ứng dụng và sản phẩm của "nhà Táo", có thể kể đến iMac, iLife (bao gồm iPhoto, iMovie, iDVD, iWeb), iTunes, iPod, iPhone, iPad, iCloud, iOS, iWork và iBooks.
Thậm chí, xu hướng này đã trở nên thịnh hành trong văn hóa phổ biến tại Mỹ, khi nhiều công ty cũng ăn theo đặt tên sản phẩm bắt đầu bằng chữ “i” như iHome – dàn hệ thống âm thanh, iPlay – thời trang trẻ em hay gần đây nhất là iFetch – một mẫu đồ chơi cho chó mèo.
Khi người Mỹ đã “phát ốm” với đủ các i-Sản phẩm, Apple đang mở ra xu hướng đặt tên mới bằng Apple Watch và Apple Play, ngầm phát đi tín hiệu Apple đang bước vào một kỉ nguyên mới, một kỉ nguyên hậu Steve Jobs.
Giả thiết 2: Rắc rối kiện tụng
Phải thừa nhận Apple là một công ty “nhẵn mặt” với tòa án đủ cấp, đôi lúc họ là người đi kiện, có khi họ là người bị kiện. Không ngoại trừ khả năng Apple phải đặt tên sản phẩm là Apple Watch và Apple Pay vì cái tên iWatch và iPay đã được công ty khác đăng kí trước.
Theo tạp chí MacWorld UK, một công ty khác có tên Probendi Inc. đã đăng kí nhãn hiệu đối với cái tên “iWatch” tại Liên minh châu Âu từ rất sớm vào năm 2008, mặc dù Probendi không hoạt động trên thị trường đồng hồ thông minh, họ đặt “iWatch” làm tên một ứng dụng truyền tải di động.
Bên kia đại dương, tờ New York Post lại đưa tin một công ty có tên OMG Electronics đã đăng kí nhãn hiệu với từ “iWatch” và lên kế hoạch bán đồng hồ thông minh với cái tên này trên thị trường Mỹ.
Nhìn lại, năm 2006, Apple TV từng có tên ban đầu là iTV, nhưng sau đó ITV – công ty truyền hình tại Anh Quốc – đã dọa sẽ đâm đơn kiện Apple nếu công ty trụ sở California vẫn tiếp tục sử dụng cái tên này. Cuối cùng, năm 2007, iTV đã được đổi thành Apple TV.
Cũng có thể Apple đã “nghe ngóng” đặt tên iWallet cho hệ thống thanh toán thay vì Apple Pay, nhưng hóa ra đã có một công ty khác có tên iWallet trên thị trường, cung cấp dịch vụ ví trực tuyến có thể “bảo vệ tiền bạc, thẻ tín dụng và các thông tin cá nhân của bạn với công nghệ hiện đại hàng đầu” như mẩu quảng cáo đăng trên website.
Giả thiết 3: Tránh nhầm lẫn khi tìm kiếm
Nếu Apple vẫn nhất quyết đặt tên đồng hồ là iWatch, có thể bạn sẽ không gặp vấn đề gì khi tìm kiếm trên mạng với từ khóa này, nhưng rất có thể thuật toán của Google sẽ hỏi lại “Có phải bạn muốn tìm iSwatch?” và đưa ra đường link dẫn tới trang web của đồng hồ iSwatch sản xuất Thụy Sĩ có giá 140 USD.
Trong tháng Năm, CEO của công ty Swatch - ông Nick Hayek cho biết sẽ có những biện pháp bảo hộ thương hiệu nếu Apple dùng iWatch làm tên cho sản phẩm đồng hồ thông minh mới.
"Nếu một công ty nào đó định đăng kí nhãn hiệu quá giống với tên sản phẩm của chúng tôi, Swatch sẽ đấu tranh đến cùng", ông khẳng định.
Tương tự, nếu Apple chọn cái tên iWallet, và kể cả khi chưa có công ty nào tên iWallet tồn tại, ai mà biết liệu Google có đưa ra gợi ý kiểu: “Có phải bạn muốn tìm Google Wallet?” hay không, và Apple sẽ gặp thảm họa.
Tình hình hiện tại đã thay đổi hoàn toàn so với thời sản phẩm “i” đầu tiên ra đời vào cuối những năm 1990. Khi đó Google vẫn chỉ là một gã tí hon so với Yahoo.
Còn giờ đây, Google đã hoàn toàn thống trị lĩnh vực tìm kiếm, đang tấn công vào nhiều thị trường khác bằng những ứng dụng như Google Maps, Google Images, Google Adwords, Google Driverless Cars… không ít trong số đó cạnh tranh trực tiếp với các ứng dụng của Apple.
Vậy nên khi hai bên còn đang gầm ghè, Apple chắc sẽ không mạo hiểm sản phẩm mới của mình trong hàng núi những “gợi ý” khó lường từ thuật toán tìm kiếm trên Google.
Theo Bizlive.
Bình luận