Tiếp sau bài phản ánh của VietNamNet về tình trạng nghẽn mạch di động vì không được lắp trạm BTS, nhiều ý kiến nhận định từ người sử dụng dịch vụ và các chuyên gia đã được phản hồi.

Bức xạ của trạm BTS chỉ như ĐTDĐ?

Bạn đọc Nguyễn Hùng Võ, phường Giáp Bát chia sẻ: "Theo tôi được biết công suất mỗi máy cầm tay lên tới 2W, khi sử dụng lại kề sát vào tai, mà người sử dụng còn chưa lo bị ảnh hưởng. Còn 1 trạm BTS thì có công suất chỉ khoảng 8W, lại ở trên cao, được ngăn cách với nhiều vật cản, tại sao lại có thể hại được tới sức khỏe?".


Kết quả đo kiểm định công trình viễn thông của trạm gốc điện thoại di động BTS đạt dưới mức phơi nhiễm 2W/m2 thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và cho phép trạm BTS đó hoạt động. Kiểm định này đã được quy định theo Tiêu chuẩn chất lượng TCVN 3718.

Theo các chuyên gia viễn thông, kết quả kiểm định tại ngay chân trạm gốc, tại vị trí bức xạ mạnh nhất đều dưới 2 W/m2, vào khoảng 1,75W/m2. Do vậy, có thể thấy, mức bức xạ giữa trạm gốc BTS và máy di động "áp tai" là tương đương bằng nhau.

Trạm BTS cũng bị vướng... thủ tục hành chính

Khó khăn khi lắp trạm BTS nhiều nhất vẫn là thủ tục hành chính. Mới đây, tại buổi làm việc giữa UBND thành phố Hà Nội với Bộ BCVT và Sở BCVT, đại diện các DN viễn thông đã "kêu trời" vì thủ tục này, đặc biệt trong công tác triển khai xây dựng hạ tầng mạng - lắp đặt các trạm BTS.


Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông VNPT - đơn vị chủ quản hai mạng di động VinaPhone, MobiFone và mạng di động nội tỉnh Cityphone - Bùi Thiện Minh cho biết, "Trong năm 2007, chúng tôi dự định lắp 500 trạm BTS tại Hà Nội, nhưng cứ 1 trạm BTS phải mất tới 8 loại giấy phép khác nhau. Tính trung bình như vậy, để hoàn thiện triển khai BTS để phát sóng di động tại Hà Nội, chúng tôi phải cần tới 4.000 giấy phép các loại!?"

Đại diện Viettel cho biết, tại những trung tâm, thành phố lớn, đều bị yêu cầu phải có giấy phép xây dựng. Tại  Hà Nội, hiện nay, Viettel đang có tới 30 trạm đã làm xong móng nhưng không thể triển khai xây dựng và lắp đặt cột. DN thường xuyên phải lắp trạm vào ban đêm, vì lúc đó mới vận chuyển được thiết bị vào thành phố, không gian chật hẹp, rất khó lắp đặt (như ở khu phố cổ của HN).

Đối với các thành phố có các di sản văn hóa, việc xin giấy phép xây dựng lại càng khó khăn. Tại Huế, Viettel phải làm trình tự các thủ tục: Gửi công văn tới Chủ tịch UBND về vị trí định thuê trạm; Ban quản lý đô thị, Công ty di tích, Phòng Hành chính công, Sở xây dựng cùng với Viettel đi khảo sát.  Sau đó, lập hồ sơ bao gồm một loạt các bản thiết kế, dự toán, thẩm định, hợp đồng thuê (có công chứng) gửi cho phòng hành chính công. Tiếp đến, DN "ngồi chờ" để phòng Hành chính công thẩm định lại rồi gửi lên Chủ tịch Thành  phố cấp giấy phép...

Tại Hà Tây, muốn lắp đặt BTS, chi nhánh viễn thông ở đây phải báo cáo kế hoạch phát triển xây dựng BTS với phòng hạ tầng kỹ thuật của huyện và Sở BCVT tỉnh. Hoàn thành các thủ tục này xong, khi triển khai xuống đến các xã, thôn, mặc dù đã có biên bản cam kết hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và huyện, dân vẫn "biểu tình, chống đối" và kiên quyết không cho lắp đặt BTS.

Kêu cứu cơ quan quản lý

Gần đây nhất, sau buổi làm việc với Bộ BCVT, UBND Thành phố Hà Nội đã thống nhất sẽ có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn Thủ đô tạo điều kiện cho các DN viễn thông triển khai hạ tầng mạng. Văn bản này cũng thể hiện rõ rằng, người dân tại các khu đô thị cần yên tâm về chất lượng các trạm phát sóng, nằm trong giới hạn cho phép và không gây hại tới sức khỏe con người.


Các DN cũng đồng loạt kiến nghị Bộ BCVT và các CQ liên quan nhanh chóng có kết luận chính thức về việc sóng điện từ ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người, đồng thời đưa ra một tiêu chuẩn mẫu của trạm BTS.

(Theo Vietnamnet) 



Bình luận

  • TTCN (1)
sdfgsdgf

htjfdhgfh