VNG được thành lập năm 2004 và cho đến nay, công ty này đang có trong tay khoảng 2000 nhân sự và có doanh thu hàng trăm triệu USD/năm.
Lĩnh vực kinh doanh chính của VNG là phát hành game và phát triển các dịch vụ Internet. Một điểm khác biệt so với các công ty Internet lớn ở châu Á như Naver, Kakao Talk đó là VNG chỉ tập trung phát triển tại thị trường Việt Nam, dấu ấn của VNG tại các nước khác trong khu vực là không nhiều mặc dù đã có những động thái tham gia thị trường game tại Trung Quốc cũng như Nhật Bản. Hiện tại, giá trị của VNG được ước tính vào khoảng 1 tỉ USD.
Thành lập năm 2007 tại Singapore, Garena tiếp cận cộng đồng game thủ bằng cách phát triển nền tảng giúp người dùng có thể kết nối và chơi game với nhau qua mạng LAN ảo. Với thành công bước đầu, Garena đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của mình đến Đài Loan, Việt Nam, Philippines và gần đây nhất là Thái Lan và Indonesia.
Tại Việt Nam, Garena hoạt động dưới tên gọi VED (công ty CP Phát Triển Thể Thao Điện tử Việt Nam) và phát triển mảng game thể thao điện tử vốn đang bị bỏ ngỏ với tựa game FIFA Online 3 và Liên Minh Huyền Thoại. Theo một số nguồn tin, công ty Garena đạt doanh thu khoảng 200 triệu USD trong năm 2013.
Xu hướng đầu tư vào ứng dụng mobile OTT.
Một trong những điểm tương đồng giữa VNG và Garena là cả hai công ty này đều bắt đầu thành công từ việc phát hành game trên nền tảng web và đang thống trị những ở những mảng game của mình, với VNG là webgame và game nhập vai, còn Garena là game e-sport. Tuy nhiên, với xu thế phát triển chóng mặt của mobile, cả VNG và Garena đều nhận thấy tầm quan trọng của sân chơi này.
Mặc dù dòng tiền chính vẫn đến từ mảng PC nhưng cả hai ông lớn đều xác định chuyển sang nền tảng mobile là việc bắt buộc và đầu tư phát triển ứng dụng chat OTT là công cụ để họ có thể chiếm được thị phần cho riêng mình. Đối với VNG, ứng dụng Zalo đã đạt được 15 triệu lượt tải về trong khi BeeTalk của Garena cũng mới chạm mốc 10 triệu người dùng trong khu vực.
Hiện tại, cả VNG và Garena đều đã bỏ ra rất nhiều tiền cho việc phát triển, marketing ứng dụng cho dù những ứng dụng này không hề có doanh thu. Đây quả là một cuộc chơi đầy mạo hiểm nhưng cả 2 ông lớn đều tin rằng, mô hình trên nền tảng mobile mà họ đang xây dựng sẽ làm được những điều tương tự như Line, Kakao Talk, WeChat trong tương lai gần.
Câu chuyện từ 2 quốc gia Việt Nam và Singapore
Một điểm khá đặc biệt đó là 2 công ty Internet lớn nhất Đông Nam Á lại đến từ 2 quốc gia khá đặc biệt. Không giống như Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay Singapore, Việt nam là một thị trường còn non trẻ với hệ sinh thái khởi nghiệp chưa phát triển mạnh. Ngoài ra, những chính sách tại nước ta chưa thực sự thu hút được nhà đầu tư khi số lượng những quỹ đầu tư quốc tế tại Việt Nam chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Singapore lại ở vào một hoàn cảnh khác, quốc gia này có nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á và có môi trường phù hợp để startup phát triển, tuy nhiên đây là thị trường rất nhỏ bé cho những startup muốn mở rộng công ty.
Vậy đâu là lí do khiến 2 công ty Internet thành công khi xuất phát tại 2 quốc gia không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa 2 công ty và có thể coi đó là một trong những yếu tố tạo nên thành công như: Đều xuất phát điểm từ game, đều gia nhập thị trường đúng thời điểm và có chính sách phát triển đúng đắn, có số lượng lớn nhân sự là người Việt, có đội ngũ ban lãnh đạo tài năng và đều đầu tư vào ứng dụng mobile OTT.
Tất nhiên sẽ không thể tìm ra được yếu tố nào là quan trọng nhất, nhưng cả hai công ty đã làm rất tốt công việc của mình để tạo ra những doanh nghiệp tỉ đô. Hơn hết, họ đã trở thành những tấm gương để các công ty công nghệ còn lại tiếp tục phấn đấu nhằm tạo tạo ra những doanh nghiệp tỉ đô khác trong tương lai.
Theo ICTnews. Nguồn Techinasia.
Bình luận