"Cuộc chiến" liên quan tới bản quyền nhạc số giữa Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) và Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đang căng như dây đàn. Hai bên đáp trả nhau bằng văn bản cho rằng mình đúng, mình mới có quyền cấp phép sử dụng bản quyền bản nhạc cho các bên thứ ba.
Ai được độc quyền?
Chỉ vài giờ sau khi nhận được công văn của RIAV (17 giờ ngày 10/7) cáo buộc FPT Online "bôi nhọ đến uy tín và danh dự", "chiếm đoạt quyền và xâm phạm nghiêm trọng đến hình ảnh của hiệp hội", FPT Online đã phản pháo lại.
Trong công văn đáp trả RIAV, ông Lương Công Hiếu, Tổng giám đốc FPT Online khẳng định công ty này đang là đối tác duy nhất có được sự ủy thác độc quyền kinh doanh bản quyền các bản ghi trên môi trường Internet của hầu hết các hãng băng đĩa uy tín như Viết Tân, Saigon Vafaco, Thế Giới Giải Trí, Hãng Phim Trẻ, Lạc Hồng, Trùng Dương, Quang Cường, Tuấn Nguyễn, Tuấn Trinh, Golden fish… Điều này được khẳng định trong các hợp đồng cấp phép sử dụng bản ghi âm, ghi hình giữa FPT Online với các hãng băng đĩa. Như vậy, theo FPT Online, việc RIAV cho rằng FPT Online bôi nhọ uy tín và danh dự là "sự hiểu lầm đáng tiếc".
Trong một tài liệu gửi đến báo chí, FPT Online đã viện dẫn một loạt quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn luật này khẳng định tính pháp lý của việc hợp tác giữa công ty này và các hãng băng đĩa. FPT Online cũng khẳng định việc FPT Online độc quyền kinh doanh các bản ghi trên mạng trong phạm vi hợp đồng với các hãng băng đĩa là không vi phạm pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Long Minh, Chánh Văn phòng RIAV cho biết, hiệp hội sẽ có văn bản đáp lại công văn của FPT Online vào ngày 14/7. Ông Minh cũng cho biết RIAV đã có cuộc họp bàn về vấn đề này vào sáng ngày 11/7. Trong cuộc họp đó, các thành viên RIAV cho rằng hiệp hội là đại diện duy nhất có quyền cấp phép các bản ghi âm, ghi hình cho các bên thứ ba. FPT Online muốn cấp phép cho các bên thứ ba thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của từng hãng băng đĩa.
Trả lời trên báo Pháp luật TP.HCM, bà Hồng Hạnh, đại diện của Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng cho biết trung tâm này có ký hợp đồng độc quyền với Nhacso.net của FPT Online trong hai năm (từ tháng 12-2007 đến tháng 12-2009). Nhưng trong thời gian thử nghiệm 4 tháng đầu, thấy không hiệu quả nên Trung tâm Lạc Hồng quyết định ký ủy thác cho RIAV đại diện toàn bộ các lĩnh vực. Đại diện trung tâm này còn cho biết trong điều khoản ký kết giữa hai bên nói rõ Nhacso.net chỉ được chuyển nhượng cho bên thứ ba với điều kiện hãng của bà đồng ý bằng văn bản. Tuy nhiên, theo bà Hạnh, đến nay Lạc Hồng chưa hề ký văn bản cho Nhacso.net được chuyển giao và thu phí với các trang web.
Dẫn lời trên báo chí, ông Huỳnh Ngọc Hoàng, phụ trách kinh doanh Hãng phim Trẻ, nói đúng là hãng này có ký hợp đồng cho FPT kinh doanh độc quyền trên môi trường mạng nhưng điều đó không có nghĩa là họ được chuyển nhượng cho bất kỳ bên thứ ba mà không được sự đồng ý bằng văn bản của hãng. Tuy nhiên, ông Hoàng cho biết là hãng này chưa có bất kỳ văn bản nào đồng ý cho Nhacso.net thay mặt mình thu phí tám trang web (gồm yeuamnhac.com, nhac.vui.vn, socbay.com, inghe.vn, pops.vn, miu.vn, nhaccuatui.com, mp3.zing.vn).
Loạn đầu mối thu phí bản quyền âm nhạc
Theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, quyền sở hữu trí tuệ với bản nhạc gồm quyền tác giả (nhạc sĩ) và quyền liên quan (quyền đơn vị sản xuất thu âm, ghi hình và quyền của người biểu diễn).
Đối với quyền tác giả, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) hiện nhận ủy thác của hơn 1.000 tác giả, nhạc sĩ làm đầu mối thu phí bản quyền.
Còn với quyền liên quan, RIAV hiện là đầu mối thu phí bản quyền của hơn 60 hãng băng đĩa. Tuy nhiên, rắc rối chính là ở chỗ một số hãng băng đĩa vừa ký hợp đồng với FPT Online, vừa ký hợp đồng với RIAV. Cụ thể, RIAV hiện được 26 trung tâm, hãng băng đĩa nhạc trên cả nước ủy thác thu phí bản quyền liên quan cho các đơn vị sử dụng, khai thác bản ghi của mình như tải nhạc chuông, nhạc chờ, các đài truyền hình, trên Internet. Vào tháng 4/2008, RIAV đã cấp phép khai thác sử dụng nhạc cho 8 trang web (yeuamnhac.com, nhac.vui.vn, socbay.com, inghe.vn, pops.vn, miu.vn, nhaccuatui.com, mp3.zing.vn - là những trang web vừa bị FPT Online yêu cầu đàm phán trả phí bản quyền). Trong khi đó, vào tháng 12/2007, 10 hãng băng đĩa nhạc (có một số hãng đã ký ủy quyền cho RIAV) đã ký hợp đồng với Nhacso.net cho phép trang web này được kinh doanh trên môi trường mạng và thu phí sử dụng của bên thứ ba với điều kiện việc chuyển giao cho bên thứ ba phải được sự đồng ý bằng văn bản của các hãng.
Như vậy, có thể nói việc một số hãng không rõ ràng đầu mối thu phí bản quyền thu âm, ghi hình là nguyên nhân của mọi rắc rối. Điều này cũng gây khó cho chính những trang web muốn tôn trọng bản quyền.
(Theo ICTNews)
Bình luận