Nhập nhèm giữa hình thức hoạt động của website, đẩy trách nhiệm về phía khách hàng, hàng trăm website khai thác nội dung đa phương tiện trên Internet tại Việt Nam “phớt lờ” công sức lao động của giới nghệ sĩ.
Baamboo.vn đang đứng trước nhiều khiếu kiện về vi phạm bản quyền âm nhạc trong và ngoài nước. Ảnh chụp màn hình. Từ khi gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam luôn coi việc thực hiện cam kết về bản quyền phần mềm nói riêng và những quyền sở hữu trí tuệ khác nói chung là ưu tiên hàng đầu. Nhiều bộ luật được ban hành nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người lao động sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật. Thực tế hàng trăm website nghe nhạc trực tuyến tại Việt Nam, số lượng bỏ tiền “mua” quyền sử dụng những nhạc phẩm có thể đếm trên đầu ngón tay như Zing.vn (thuộc Vinagame) hay Nhacso.net (FPT Telecom).
Để né tránh trách nhiệm, “chiêu bài” thường được các website sử dụng là đẩy phần rủi ro về phía khách hàng với hình thức tìm kiếm hoặc chia sẻ file âm nhạc hoặc video. Dạo nhanh 1 vòng trên Clip.vn (Công ty Vega), chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam được cắt cúp và đưa lên đây, đặc biệt là những chuyên mục hài, thư giãn như Gặp nhau cuối tuần, tin thời sự giật gân, các trò chơi truyền hình như Vietnam Idol…
Dù cho phép thành viên đăng tải nội dung thông tin trên website của mình, nhưng công ty chủ quản Clip.vn từ chối thẳng thừng trong Quy định & Chính sách của mình “không chịu bất kỳ trách nhiệm gì về các nghĩa vụ pháp lý của bạn (nếu có) phát sinh từ việc bạn sử dụng các trang web của bên thứ ba”, và người dùng “sẽ phải hoàn toàn tự chịu rủi ro khi truy cập trang web”.
Một mô hình khác là xây dựng website dạng tìm kiếm, nhưng vẫn cung cấp những công cụ để phát truyền nội dung số trực tiếp trên website của mình chứ không đơn thuần trả về kết quả như những máy tìm kiếm truyền thống.
Điển hình trong thể loại này là trang Baamboo.vn (thuộc VC Corp) với khả năng tìm kiếm âm thanh, video clip và “nghe thử” ngay trên website của mình. Mặc dù là “nghe thử” nhưng website này cho phép chơi toàn bộ bài hát với chất lượng mặc định của nguồn.
Điều kỳ lạ là trong khi những search engine nổi tiếng như Google hoặc Yahoo thường trả kết quả liên quan tới từ khóa trên website lớn, nổi tiếng hoặc có lượng truy cập cao, còn Baamboo.vn lại có khả năng “đặc biệt” khi lấy được những kết quả từ những trang “giời ơi đất hỡi” chứa nhạc Việt Nam nhưng đặt máy chủ tại Mỹ hoặc Canada.
Theo phân tích của các chuyên gia, bản nhạc quốc tế đặt trên những hosting nước ngoài bị kiểm duyệt rất chặt chẽ. Nhưng đối với bản nhạc Việt Nam, các nhà cung cấp này cũng không biết mà cơ quan quản lý của Việt Nam cũng bó tay.
Trong tháng 3/2008, Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Quốc tế đã có công văn gửi Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam cảnh báo về việc hàng loạt website tại Việt Nam. Trong nội dung trả lời phỏng vấn VnEconomy về việc Baamboo.vn cũng nằm trong danh sách những website vi phạm, ông Nguyễn Thế Tân, Phó Tổng giám đốc VC Corp, viện dẫn một quan điểm từ bài phát biểu “Bản quyền đã chết” của một giáo sư người Mỹ để giải thích rằng sản phẩm tìm kiếm của công ty này không phạm luật. Bài phát biểu này đánh đồng khái niệm tự do và tự nguyện chia sẻ trong phần mềm nguồn mở (PMNM) với việc sử dụng thành quả lao động của người khác trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ngày 10/4/2008, Cục Bản quyền tác giả Văn hóa Nghệ thuật đã Công văn số 81/BQTG–QTG gửi VC Corp, yêu cầu "dừng ngay việc truyền phát tác phẩm không có thỏa thuận bản quyền trên Baamboo.vn, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật"… Công văn chỉ ra website này "đã vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành". Nếu tiếp tục vi phạm, chủ sở hữu website sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thế nhưng bốn tháng trôi qua, trang web này vẫn hoạt động bình thường như không có chuyện gì.
Tất nhiên, ông Tân đã “bỏ quên” việc tất cả tác giả PMNM đã sẵn sàng và chủ động chia sẻ thành quả của mình từ khi ra quyết định đưa sản phẩm của mình gia nhập cộng đồng nguồn mở. Bản thân cộng đồng và sản phẩm PMNM cũng có những giấy phép và luật riêng của mình để bảo hộ quyền của tác giả.
Còn trong lĩnh vực nghệ thuật lại hoàn toàn khác. Mỗi sản phẩm đều có giá trị văn hóa, tinh thần bên cạnh giá trị kinh tế. Mặt khác, người nghệ sĩ “cũng phải ăn, cũng phải sống thì mới sáng tác được” và không phải tất cả đều sẵn sàng chia sẻ miễn phí thành quả lao động nghệ thuật của mình.
“Nếu sử dụng sản phẩm của tôi để kinh doanh và thu lợi nhuận thì chúng ta nên chia sẻ lợi nhuận. Như vậy mới công bằng chứ!”, một nhạc sĩ (xin giấu tên) tại Hà Nội, nhận xét. “Cứ coi PMNM họ chia sẻ miễn phí sản phẩm của mình, nhưng sao có thể “ép” chúng tôi cũng chia sẻ thành quả của mình? Nếu vậy tại sao lãnh đạo của VC Corp không chia sẻ miễn phí tài sản riêng - thành quả nỗ lực kinh doanh - của mình trước?”.
(Theo Vietnamnet)
Bình luận