Chia sẻ bí quyết thành công, Trần Minh Thắng - giám đốc công ty Công nghệ Thông tin (CNTT) có gần 40 nhân sự và 700 khách hàng nhắc lại một câu nói của CEO Apple Steve Jobs mà anh tâm đắc: “Hãy luôn khát khao. Hãy cứ dại khờ”.
“Ước mơ 0 đồng, chẳng ai đánh thuế”
14h chiều, Giám đốc “8X đời cuối” Trần Minh Thắng vừa kết thúc buổi đào tạo kinh doanh bằng tràng pháo tay và tiếng cười không ngớt của nhân viên. Nhìn vị thủ lĩnh CNTT đứng giữa sàn làm việc tập trung tới vài chục nhân sự, ít ai biết 5 năm trước, Trần Minh Thắng từng trải qua quá trình học hành trầy trật. Trượt đại học tới 2 lần, hai bàn tay trắng, điều duy nhất khiến Thắng tự tin khởi nghiệp là người bạn đồng hành Nguyễn Anh Tú (SN 1989).
Thắng chia sẻ, nhà anh ở xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Mỗi năm, cứ tới vụ thi là cả làng lại ngóng xem con nhà ai đỗ, con ai trượt. “Thế nên dù năm ấy tôi thi được 21 điểm, cao hơn nhiều bạn đỗ các trường tầm trung thì việc trượt đại học vẫn cứ bị cả làng coi là trượt. Đã vậy, tôi lại còn trượt những 2 năm liên tiếp!”
Trong những ngày buồn vì không vào được đại học mơ ước, anh tình cờ đọc cuốn sách “Người bán hàng vĩ đại nhất thế giới”. Minh Thắng chia sẻ, bộ sách da dê của tác giả Og Mandino là cuốn sách thay đổi cuộc đời mình, mang tới cho anh lối suy nghĩ tích cực và tư duy kinh tế nhạy bén. Từ một người chưa bao giờ thích động vào sách, Thắng trở thành kẻ nghiện sách. Anh lấy bài học từ Og Mandino là phương châm sống: “Tôi sẽ tiếp tục chừng nào tôi chưa đi tới thành công. Sự thất bại không nằm trong số phận của tôi”.
Năm 2009, tốt nghiệp Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội chuyên ngành CNTT, trải qua 1 năm làm quản lí kinh doanh cho một công ty thiết kế website, Thắng gặp cậu em kém 3 tuổi là lập trình viên Nguyễn Anh Tú. Nhận thấy có nhiều điểm chung về chí hướng, Thắng và Tú quyết định nghỉ việc ở công ty cũ, lập nhóm sản xuất website với số vốn 0 đồng. Khởi nghiệp “chẳng có gì” ngoài hai chiếc máy tính xách tay từ thời đi học, tâm huyết và kiến thức chuyên môn, Trần Minh Thắng nhớ mãi những ngày chỉ có hai anh em, Tú chật vật một mình lo kĩ thuật, Thắng chạy khách hàng, giấy tờ, tài chính…
Vài tháng sau, số lượng đơn hàng gia tăng, nhóm kết nạp thêm 3 thành viên. Thắng và Tú bàn việc mở công ty. Giám đốc sinh năm 1986 chia sẻ, khi rời công ty cũ, hai anh em đã ấp ủ dự định mở công ty chuyên về web. Lúc đó, Thắng 24 tuổi và Tú 21 tuổi. Bố mẹ hai bên đều nghĩ hai cậu mới vào đời, không một xu dính túi, việc mở công ty chỉ là chuyện làm chơi nên không quan tâm. “Nhưng với hai anh em thì khác, không có gì để mất nhưng cũng không ai đánh thuế ước mơ, chúng mình bàn nhau cứ làm thôi và đã làm thì phải làm cho tử tế”.
Tháng 3/2010, công ty CP Tất Thành chính thức thành lập. Giám đốc trẻ chia sẻ về tên công ty: “Tất Thành như mọi việc cứ làm rồi sẽ hanh thông, sẽ thành công như tất phải vậy!”. Khách hàng đầu tiên có được nhờ mối quan hệ Thắng xây dựng trong quá trình làm việc ở công ty cũ. 10 triệu đồng thu về từ website thiết kế đầu tiên cho PGD&ĐT Hưng Hà (Thái Bình) được “vét sạch” để thuê phòng làm việc, mua bàn ghế, nối mạng...
Tham vọng trở thành trùm sản xuất web Việt
Thắng cho biết, cách đây vài năm, thị trường sản xuất website Việt Nam gần như bị “phá nát” bởi từ cá nhân tới tổ chức, công ty không chuyên cũng nở rộ dịch vụ nhận làm web. Số lượng nhiều nhưng doanh nghiệp chuyên về web lớn thì quá ít. Trong bối cảnh ấy, anh và Nguyễn Anh Tú cùng đặt quyết tâm chớp lấy cơ hội, đưa công ty leo lên vị trí dẫn đầu thị trường web Việt.
Nếu như năm 2010, với 5 thành viên, nhóm chỉ làm được khoảng 20 - 30 website/năm thì tới năm 2012 - 2013, lượng nhân sự của công ty đã tăng gấp 7 lần nhằm đáp ứng khối lượng công việc đến từ gần 700 đơn hàng trên cả nước. 2/3 số đơn hàng nhắm vào web bán sẵn giá từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Minh Thắng cho biết, khi một số đơn vị làm web thiết kế "chê" những đơn hàng ít tiền là lúc anh nhận ra nguồn khách hàng dồi dào cho công ty mình. Web bán sẵn cũng là một trong hai hướng đi chủ đạo của công ty anh, bên cạnh phát triển dự án cổng website và phần mềm hệ thống có thời gian thực hiện dài, doanh thu lớn 500 - 600 triệu/hợp đồng.
Ví việc sản xuất web như bán quần áo, Thắng giải thích: “Quần áo bán sẵn có thương hiệu thì chất lượng tốt, giá thành rẻ. Quần áo may theo thiết kế tuy mang tính cá nhân nhưng chất lượng chưa chắc tốt hơn mà giá đắt hơn nhiều. Website bán sẵn cũng vậy. Chúng tôi dựng một khung lên sẵn với hàng ngàn mẫu thiết kế khác nhau, tính năng mạnh mà chi phí lại chỉ bằng một nửa, thậm chí một phần tư số tiền vài chục tới hàng trăm triệu khách hàng phải bỏ ra để làm web theo yêu cầu”. Thắng cho hay, những năm gần đây, lượng khách mua web bán sẵn của công ty anh là doanh nghiệp vừa và nhỏ ngày càng tăng cho thấy đây là lựa chọn hợp lí trong tình hình kinh tế khó khăn, ngân sách đầu tư thương hiệu eo hẹp.
Xác định rõ các đối thủ cạnh tranh để tập trung phát triển ưu thế của công ty mình, Minh Thắng chia sẻ, công ty anh đang lên kế hoạch sẽ cho ra đời hàng ngàn mẫu website bán sẵn giá siêu rẻ từ 1 triệu đồng nhằm thâu tóm thị phần, song song các khung giá web bán sẵn cao cấp 5 - 7 triệu đồng và từ 10 triệu đồng để đa dạng hóa sản phẩm cho khách hàng. Bên cạnh đó, anh chủ trương tiếp tục phát triển đa dạng các lĩnh vực kinh doanh web của công ty theo chiều rộng và không ngừng gia tăng nhân sự để “không bỏ sót nhân tài, không để lọt khách hàng”. Dự kiến tới hết năm 2014, Thắng tiếp tục tuyển bổ sung hơn chục vị trí còn thiếu cho các nhóm lập trình.
Lấy con người làm trung tâm, gọi Phó tổng giám đốc Nguyễn Anh Tú là “nhân tài”, yêu quý như em ruột, Minh Thắng chia sẻ: “Anh em mình từng cùng nhau khởi nghiệp từ lúc chẳng có gì. Chúng mình không ngại liều lĩnh. Các dự án dù chỉ có 30% thành công mình cũng sẵn sàng liều, miễn có Tú bên cạnh. Chọn được người đồng hành tốt coi như bạn nắm chắc 70% thành công. Thất bại thì làm lại, chưa thành công là chưa tới đích!”
Theo Zing.
Bình luận