Như thông tin đã đưa, thực hiện chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát động, ngày 24/6/2014, 7 cơ quan, đơn vị trong đó có Viettel đã cùng nhất trí kí vào Kế hoạch liên tịch với mục tiêu từ năm 2014-2016, Ban Chỉ đạo chương trình sẽ huy động đóng góp, ủng hộ bằng tiền hoặc tự nguyện sử dụng các dịch vụ viễn thông của các nhà hảo tâm để mua 24.000 con bò cái sinh sản trao tặng các gia đình thuộc diện hộ nghèo theo chuẩn quốc gia tại 11 tỉnh biên giới: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An và Yên Bái.
Theo đó, mỗi khách hàng tự nguyện cam kết sử dụng dịch vụ viễn thông tối thiểu 100.000 đồng/tháng trong vòng 3 năm, Viettel sẽ hỗ trợ chương trình 1 triệu đồng. Như vậy, cứ 15 khách hàng là đủ kinh phí để mua một con bò trị giá 15 triệu đồng tặng hộ nghèo (ngoài ra, Viettel sẽ tặng thêm một chiếc điện thoại cho mỗi hộ - PV).
Chỉ sau hơn 3 tháng triển khai, hiện nay quỹ bò đã được hình thành với gần 4.200 con và chương trình đã giao được 500 con đến các hộ gia đình.
Tuy nhiên, giữa lúc chương trình đang diễn ra thì một số nguồn thông tin cho rằng chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” là một chương trình nhân văn nhưng Viettel đã gắn vào đó những điều kiện thương mại khắt khe. Và đó là lí do tại các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn xuất hiện công văn kêu gọi, tuyên truyền, vận động cán bộ công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân ủng hộ kinh phí mua bò tặng các hộ nghèo biên giới bằng hình thức tham gia sử dụng dịch vụ viễn thông của Viettel.
Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Đỗ Minh Phương, Tổng Giám đốc Viettel Telecom khẳng định Viettel không có quyền để ép bất kì ai sử dụng dịch vụ của mình. Việc tham gia là hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không có chuyện “ép buộc” hay “giao chỉ tiêu” dưới bất kì hình thức nào.
Việc một số tỉnh đặt ra chỉ tiêu thực hiện chương trình, ông Phương cho rằng, có thể Ban chỉ đạo chương trình nóng lòng muốn chương trình về đích sớm nên đã gây ra hiểu lầm.
Còn xét về mặt lợi nhuận từ chương trình, ông Phương nêu rõ: Theo ước tính thì với mức 100.000 đồng/tháng, Viettel sẽ thu về 54 triệu đồng với 15 SIM thuê bao dùng trong 3 năm. Tuy nhiên, với tỉ lệ lợi nhuận ngành viễn thông hiện nay, sau 3 năm Viettel cũng chỉ thu về được 8-10 triệu, đấy là còn chưa kể đến việc khách hàng có đi cùng Viettel đủ 3 năm hay không, lãi suất ngân hàng khi Viettel ứng ra trước hàng trăm tỉ đồng để mua bò… Con số 54 triệu đồng từ 15 thuê bao trong 3 năm không phải là khoản lợi nhuận Viettel thu về mà là doanh thu bao gồm cả chi phí đầu tư cho những dịch vụ khách hàng sử dụng.
Dù vậy, ông Đỗ Minh Phương cũng thừa nhận chương trình còn có thiếu sót trong cách truyền thông, dẫn đến việc hiểu lầm. Đồng thời, khâu phối hợp thực hiện với các địa phương, đơn vị liên quan cũng cần được thống nhất lại.
“Tuy vậy, cho dù ngày mai không ai dùng Viettel để ủng hộ chương trình nữa thì chúng tôi vẫn theo chương trình đến cùng như đã cam kết với Ban chỉ đạo”, ông Phương nói.
Chiều ngày 10/10/2014, ông Phạm Hồng Hải - Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, đến thời điểm này Bộ TT&TT chưa có bất kì ý kiến gì liên quan đến chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới" của Viettel.
Theo ICTnews.
Bình luận