Qualcomm
Qualcomm hiện được xem là một trong những hãng chuyên sản xuất SoC lớn với nhiều sản phẩm cao cấp thường được tìm thấy trên các thiết bị Android dẫn đầu thị trường di động. Tất cả các chip SoC của Qualcomm hiện được thương mại hóa dưới tên gọi Snapdragon - như series Snapdragon 200, 400, 600 và 800 - đại diện cho nhiều phân khúc hiệu năng khác nhau. Có thể nói, hầu hết các chip SoC phổ thông của Qualcomm được trang bị 2 nhân xử lí Krait. Trong khi đó, những sản phẩm cao cấp thuộc series Snapdragon 600 và 800 thường được tích hợp 4 nhân xử lí Krait.
Hầu hết các chip SoC của Qualcomm đều được sản xuất trên quy trình 28nm. Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm cao cấp được sản xuất trên quy trình 20nm đáng chú ý hiện nay như Snapdragon 808 và 810 được trang bị các nhân xử lí Cortex-A57/A53 64-bit, và nhân đồ họa Adreno 418/430. Với việc thu nhỏ quy trình sản xuất, các chip SoC có kích thước nhỏ hơn, tiêu thụ ít điện năng nhưng vẫn đảm bảo hiệu năng xử lí mạnh mẽ cho toàn hệ thống. Snapdragon 810 là chip SoC mạnh mẽ nhất của Qualcomm và sẽ được thương mại hóa trong nửa đầu năm 2015. Liền sau đó sẽ là sự xuất hiện của Snapdragon 808.
Apple
Trong số các hãng sản xuất SoC lớn hiện nay, có thể nói, lợi thế lớn nhất của Apple chính là việc dùng riêng một nền tảng HĐH. Từ năm 2012, hãng đã thiết kế riêng cho mình mẫu chip SoC A6 sử dụng kiến trúc ARM v7. Cho đến nay, hiệu năng các thế hệ SoC của Apple vẫn đang ngày càng gia tăng với tốc độ ấn tượng. Thế hệ SoC A7 được giới thiệu hồi năm 2013 là BXL đầu tiên hỗ trợ điện toán 64-bit khi đó. Apple A7 được trang bị 2 nhân xử lí tốc độ từ 1,3 GHz đến 1,4 GHz do Samsung sản xuất trên quy trình 28nm. Thế hệ chip SoC A7 được Apple trang bị cho iPhone 5S, iPad Mini Retina và iPad Air. A7 theo Anandtech được trang bị nhân đồ họa PowerVR G6430 xung nhịp 200 MHz.
Apple mới đây còn tung ra mẫu SoC A8 cũng hỗ trợ điện toán 64-bit, nhưng song theo hãng có tốc độ xử lí nhanh hơn 25% và nhỏ hơn 13% so với A7. Thế hệ iPhone 6 và iPhone 6 Plus trang bị BXL A8 còn được cho là có hiệu năng đồ họa mạnh mẽ hơn đến 50% so với A7, song vẫn đảm bảo mức tiêu thụ điện năng thấp.
Samsung
Nếu chỉ nói về khối lượng, Samsung là một tên tuổi đứng thứ 3 trong danh sách vì đã có một lịch sử sản xuất SoC lâu đời. Trong năm 2007, Samsung còn được biết là hãng cung cấp chip SoC chính yếu cho iPhone của Apple. Samsung cũng sở hữu một lượng lớn smartphone, tablet sử dụng các model SoC Exynos do chính hãng sản xuất. Tuy nhiên, cũng có những sản phẩm của Samsung sử dụng SoC từ Qualcomm.
Trong số các thế hệ SoC của Samsung, đứng đầu có thể kể đến model Exynos 5800 hay còn có tên gọi Exynos 5 Octa. Mẫu SoC này được trang bị 4 nhân Cortex-A15 kết hợp với 4 nhân Cortex-A7 và nhân đồ họa Mali-T628 GPU. Exynos 5800 được sản xuất trên quy trình 28nm. Tuy nhiên, hãng cũng có một đại diện được sản xuất trên quy trình 20nm tên gọi Exynos 5430. Trong thời gian tới, Samsung sẽ tiếp tục tung ra thị trường nhiều thế hệ SoC được sản xuất trên quy trình 20nm khác và sẽ hỗ trợ điện toán 64-bit.
NVIDIA
NVIDIA là một cái tên rất quen thuộc với người đam mê PC. Không như Samsung vốn nổi danh nhờ số lượng chip SoC được sản xuất, NVIDIA lấy lòng người dùng bởi những sản phẩm hiệu năng ấn tượng. Tegra K1 được xem là mẫu SoC mới nhất được NVIDIA trang bị trên mẫu tablet SHIELD Tablet của Acer và mẫu Chromebook mới của hãng này.
Tegra K1 hiện được xem là thế hệ chip SoC mạnh mẽ nhất tại thời điểm này nhờ trang bị GPU 192 nhân Kepler cho cả 2 phiên bản 32-bit cũng như 64-bit. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thế hệ chip SoC khác chưa được trình làng; và vì vậy rất có thể trong một vài tháng tới đây, vị thế của Tegra K1 sẽ bị thay đổi.
Intel
Có thể nói, Intel là một nhà sản xuất chip SoC hoàn toàn độc lập vì hãng sử dụng kiến trúc x86 tùy chỉnh đặc biệt thay vì kiến trúc ARM v7 hay ARM v8 như các hãng khác. Các thế hệ chip SoC Atom của Intel gần đây cũng được thấy trên một lượng vừa phải các thiết bị di động.
Thế hệ chip SoC Atom tên mã Bay Trail của Intel hiện được sản xuất trên quy trình 22nm. Người dùng có thể tìm thấy các model SoC này trên các thiết bị NAS và một số sản phẩm khác. Song phần lớn các chip Atom kiến trúc Bay Trail của Intel đều được tìm thấy trên tablet hay smartphone. Trong tương lai, các thế hệ chip SoC kiến trúc Cherry Trail sẽ được Intel sản xuất trên quy trình 14nm và thương mại hóa trong năm 2015.
MediaTek
Ngoài 5 “ông lớn” kể trên chiếm lĩnh phân khúc thị trường tầm trung và cao, MediaTek đang là một trong những tên tuổi gây nhiều chú ý trong phân khúc SoC giá mềm. MediaTek tuy có một khởi đầu khá chậm, nhưng hãng sản xuất SoC này đã giành được nhiều chiến thắng đáng kể trong thị trường thiết bị di động ngày nay.
MediaTek cũng là một tên tuổi lớn, chuyên cung cấp chip SoC cho thị trường Trung Quốc. Mặc dù được biết đến với mục tiêu sản xuất các thế hệ SoC giá mềm là chính yếu, nhưng MediaTek gần đây cũng có nhiều sản phẩm hiệu năng cao với số lượng nhân tích hợp trải đều từ 4, 6 cho đến 8 nhân Cortex-A7. Các thế hệ SoC này còn được trang bị nhân đồ họa Mali-400/450 với số nhân đồ họa có thể lên đến 4 nhân (MP4) trên cùng 1 chip SoC.
MediaTek cũng có một vài mẫu SoC hiệu năng cao hơn sử dụng kiến trúc big.LITTLE A17/A7 như MT6595. Mẫu SoC MT6732 của hãng được trang bị 4 nhân Cortex-A53 kết hợp nhân đồ họa Mali-T760. Trong khi đó, mẫu SoC MT6752/MT6795 được trang bị đến 8 nhân Cortex-A53 và sử dụng nhân đồ họa Mali-T760 hoặc PowerVR G6200. Nhân Cortex-A53 về lí thuyết tuy không mạnh mẽ bằng Cortex-A57, nhưng vẫn là một lựa chọn tốt cho hiệu suất và hiệu quả tiết kiệm năng lượng.
Allwinner
Allwinner Technology từng gia nhập cuộc chơi SoC vào năm 2007, nhưng những sản phẩm của hãng ngay sau đó đã chìm vào lãng quên. Mãi đến năm 2011, Allwinner mới được ARM cấp phép chính thức và dần được biết đến như là một hãng chuyên cung cấp SoC giá mềm.
Thế hệ SoC mới nhất hiện nay của Allwinner chính là mẫu SoC A33 được trang bị 4 nhân Cortex-A7 hoạt động ở xung nhịp 1,5 GHz và đươc tích hợp nhân đồ họa Mali 400 MP2. A33 là mẫu SoC lõi tứ đầu tiên có giá bán chỉ 4 USD và được trang bị cho các mẫu tablet giá dưới 100 USD. Ngoài sản phẩm này, Allwinner cũng có thêm mẫu SoC A80 hiện là đại diện mạnh nhất được thiết kế sử dụng kiến trúc big. LITTLE với 4 nhân Cortex-A7 và 4 nhân Cortex-A15, đồ họa tích hợp PowerVR G6230 GPU. Mẫu SoC A33 được sản xuất theo quy trình 40nm, riêng model SoC A80 được sản xuất theo quy trình 28nm.
Thế lực tiềm ẩn
Thị trường SoC vẫn còn không ít những tên tuổi đáng kể, trong đó RockChip tựa như MediaTek cũng là một đại diện chuyên cung cấp SoC giá mềm. Hãng này đã thương mại hóa một số mẫu SoC hiệu năng cao như RK3288 tại một số thị trường. RockChip gần đây đã hợp tác với cả Intel nhằm đẩy mạnh phát triển hơn nữa thị trường di động nền tảng Android. Bên cạnh đó, AMD cũng là một tên tuổi khác đáng chú ý với thế hệ APU Mullins kiến trúc x86. Được biết, AMD tương lai sẽ sản xuất các thế hệ SoC kiến trúc ARM thay cho kiến trúc x86 hiện tại.
Mặc dù những tên tuổi này vẫn chưa đủ để gây áp lực cho các hãng sản xuất SoC lớn hiện tại - nhưng thiết nghĩ các đại gia chip cũng nên cảnh giác - vì mảng thiết bị di động giá mềm gần đây đang xuất hiện khá nhiều những thế hệ SoC của MediaTek và Allwinner.
Theo PC World VN.
Bình luận