Ảnh minh họa một phi công được gắn thiết bị nối điện cực trong một thí nghiệm. Ảnh: Solar Impulse.

Cảnh tượng bất thường diễn ra tại căn cứ không quân Wright-Patterson, gần thành phố Dayton, bang Ohio (Mỹ): một phi công ngồi trước màn hình máy tính trong phòng thí nghiệm, đầu được gắn điện cực. Các biểu tượng hình máy bay liên tục xuất hiện trên màn hình. Anh ta buộc phải lập tức nhận dạng máy bay bay đến là bạn hay địch.

Nếu là phe địch, cần phát cảnh báo trước khi bắn hạ trong trường hợp máy bay địch không chịu rời khỏi không phận. Đây là một phần của dự án nhằm kiểm tra khả năng sử dụng phương pháp sốc điện cho mục tiêu quân sự, theo BBC dẫn thông tin từ Phòng Thí nghiệm nghiên cứu không quân tại căn cứ ở Ohio.

Từ ứng dụng quân sự

Từ đầu năm nay, giới truyền thông bắt đầu đưa tin rải rác về dự án dùng dòng điện kích thích trực tiếp xuyên sọ (viết tắt tDCS) của Lầu Năm Góc. Theo tờ The Boston Globe, các nhà nghiên cứu của không quân Mỹ đang tiến hành thử nghiệm các biện pháp kích thích não, nhưng trong đó phương pháp tDCS đặc biệt được chú trọng hơn cả trong nỗ lực cải thiện độ nhạy và sự cảnh giác ở đơn vị chuyên phân tích dữ liệu do thám và trinh sát từ máy bay không người lái cũng như các nguồn khác.

Mặc dù đang trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu, các đối tượng tham gia thí nghiệm buộc phải làm quen với sự hiện diện thường trực của thiết bị sốc điện, phát ra dòng điện khoảng 1 milliampere. Trong một thử nghiệm, các đối tượng tại căn cứ không quân Wright-Patterson buộc phải thức suốt 30 giờ, và được uống cà phê hoặc kích thích não (bằng kĩ thuật tDCS).

Kết quả cho thấy nhóm tDCS có cảm giác tỉnh táo và hoạt động hiệu quả gấp 2 lần nhóm nốc cà phê. Theo BBC, quân đội Mỹ thậm chí đã thử nghiệm công nghệ tDCS với mục đích cải thiện chương trình huấn luyện phi công tại căn cứ không quân trên.

Ảnh
Chương trình tDCS của quân đội Mỹ dùng phương pháp kích thích phần vỏ não trên, để đảo ngược quá trình bị ức chế ở vỏ não trước trán, vốn chịu trách nhiệm về ý thức. Ảnh: Reuters.

Andy McKinley, người chịu trách nhiệm chương trình tDCS của quân đội Mỹ, cho hay nếu muốn cải thiện chức năng nhận thức, phương pháp tốt nhất là kích thích khu vực vỏ não vận động trong khi đối tượng đang thực hiện nhiệm vụ.

Thế nhưng, McKinley và đồng sự phát hiện sau khi kích thích phần vỏ não trên, cần phải sử dụng kĩ thuật tDCS để đảo ngược quá trình bị ức chế ở vỏ não trước trán, vốn chịu trách nhiệm về ý thức. Kết quả kiểm tra cho thấy biện pháp kích thích đúp giúp đối tượng ghi điểm cao gấp 250% lần trong khi thực hiện bài tập.

Về mặt lí thuyết, quá trình hai bước này có thể sử dụng để đẩy nhanh tốc độ trong mọi cuộc huấn luyện, từ đào tạo phi công tài năng đến thiện xạ. Tuy nhiên, hiện nhóm McKinley chú trọng vào công tác phân tích hình ảnh, nhằm tăng cường khả năng của sĩ quan điều khiển máy bay không người lái.

Đến khai thác thương mại

Trong vài thập niên qua, các nhà khoa học đã thực hiện những cuộc thí nghiệm phóng dòng điện xuyên qua hộp sọ của đối tượng và đến thẳng não bộ, nhằm tìm kiếm các phương pháp điều trị những chứng rối loạn thần kinh nghiêm trọng, từ trầm cảm đến cải thiện trí nhớ và khả năng học tập. Giờ đây, Thung lũng Silicon đang hi vọng biến công nghệ kích thích não thành công cụ hái ra tiền vào thời điểm bình minh của kỉ nguyên thiết bị đeo.

Ảnh
Quân đội Mỹ đã thử nghiệm công nghệ tDCS với mục đích cải thiện chương trình huấn luyện phi công tại căn cứ không quân Wright-Patterson. Ảnh: Reuters.

Công ty mới nhất tham gia nỗ lực chế tạo một sản phẩm kích thích não dành cho người tiêu dùng là Thync, một công ty khởi nghiệp có điểm xuất phát đáng nể. Do doanh nhân Isy Goldwasser và nhà khoa học thần kinh Jamie Tyler đồng sáng lập, Thync đã bí mật triển khai dự án trong suốt 3 năm qua.

Kết quả là thiết bị của hãng này sẽ cung cấp 3 dịch vụ: năng lượng, thư giãn và tập trung. “Đối với một số người, nó có thể là li cà phê thứ ba trong ngày, còn đối với những người khác, nó có thể thay thế giấc ngủ trưa”, theo CNN dẫn lời ông Goldwasser. Một trong những công nghệ chủ chốt đóng vai trò nền tảng trong thiết bị của Thync vẫn là tDCS, theo đó dùng một dòng điện yếu để thay đổi độ nhạy của dây thần kinh bên trong não.

Với tiềm năng có thể thay thế mọi hoạt động của con người, từ thói quen uống soda, tập yoga hoặc uống thuốc điều trị rối loạn thần kinh, thị trường các thiết bị kích thích não được dự đoán là vô cùng khổng lồ.

Trong khi đó, Thync không phải là hãng duy nhất đầu tư vào lĩnh vực đầy mới mẻ này, chẳng hạn như Foc.us là thiết bị đeo đầu giá 250 USD sử dụng công nghệ tDCS để giúp game thủ tăng cường sự tập trung và thành tích trong khi chơi. Thậm chí theo trang Reddit, hiện có một cộng đồng đông đúc gồm những người thí nghiệm các thiết bị tự chế phóng tia tDCS dựa trên các tài liệu trôi nổi trên mạng.

Tác động chưa được chứng minh

Nghe qua công nghệ này có vẻ giả tạo và nguy hiểm: Đội lên một bộ trùm đầu và phóng dòng điện được điều chỉnh vào các vùng khác nhau của não bộ trong khoảng 15 phút để nạp năng lượng, cải thiện khả năng tập trung hoặc chỉ đơn giản là bình tĩnh lại. Kích thích não là một thực tế đã tồn tại lâu nay, nhưng vẫn là một lĩnh vực chưa được chứng minh về tác động đối với não người. “Theo tôi, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng vẫn chưa có kết luận chính thức về việc liệu tDCS hay kĩ thuật nào khác có bất cứ hiệu quả chữa bệnh hoặc tăng cường nhận thức hay không”, theo Giáo sư Charan Ranganath thuộc Đại học California tại Davis.

Theo Thanh Niên.




Bình luận

  • TTCN (0)