Trong bộ phim Lucy, nữ diễn viên người Mỹ Scarlett Johansson thủ vai một phụ nữ có năng lực não bộ vượt gấp 10 lần người thường khi ma túy mà bọn buôn lậu tống vào bụng cô bị rò rỉ và lan vào mạch máu. Kịch bản phim dựa trên giả thuyết cho rằng người bình thường chỉ sử dụng khoảng 10% năng lực não bộ, trong khi Lucy là người đạt được năng lực 100%.
“Đó cũng là một trong những quan niệm sai lầm thường xuất hiện nhất trong lịch sử y học”, theo Christof Koch thuộc Viện Khoa học não Allen (Mỹ). Các nhà khoa học thần kinh cho hay trong một bộ não khỏe mạnh, không hề có những vùng não vô dụng hay không đảm nhiệm chức năng nào cả. Trên thực tế có những loại thuốc tạm gọi là “thuốc thông minh”, có thể củng cố một số chức năng não bộ, như nhớ lâu hơn hoặc giúp tập trung, nhưng chúng không hề hoạt động theo kiểu "bật" lên những kết nối mạch không sử dụng.
Lời đồn thổi về “10% não” tồn tại hơn 1 thế kỉ và tất nhiên sẽ không sớm tắt, cho dù giới chuyên gia về thần kinh học có cố công giải thích đi chăng nữa. Tin đồn này xuất hiện vào thời điểm sơ khai của ngành khoa học não, khi các nhà nghiên cứu cắm điện cực vào các phần khác nhau của bộ não và theo dõi chuyện gì xảy ra. Những cú sốc điện khiến chỉ có 10% diện tích các cơ xoắn lại ở vỏ não, khiến các chuyên gia đưa ra kết luận rằng phần 90% còn lại đại diện cho “vỏ não câm lặng”. Tuy nhiên, giờ đây giới khoa học biết được phần lớn của bộ não đều dốc sức vào chức năng nhận thức hơn là phản ứng về vận động. Họ vẫn tiếp tục bổ sung những chi tiết vào kho dữ liệu về bộ não nhờ các công nghệ quét não như chụp cộng hưởng từ. Những nỗ lực như "Sáng kiến não" 100 triệu USD và "Dự án não người" 1,6 tỉ USD dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ hiểu biết trong lĩnh vực này.
Thậm chí cho dù cuộc tranh luận về chức năng não kết thúc, một đề tài tranh cãi tương tự vẫn đang tăng nhiệt: Nhiều năm qua, các nhà di truyền học vẫn tự hỏi tại sao bộ gien người chứa các chuỗi mã di truyền dài ngoằng nhưng dường như không đóng vai trò gì trong việc hình thành protein. Từ đầu, những khu vực không mã hóa này bị xem là vô dụng, thậm chí còn bị gọi là “ADN rác”, thuật ngữ tiếp tục tồn tại đến ngày nay.
Cách đây 2 năm, một nỗ lực lập bản đồ gien quốc tế có tên "Dự án ENCODE" cho thấy thậm chí ADN không mã hóa cũng đóng một vai trò nào đó trong việc kiểm soát sự thể hiện của các gien. Điều này đã khiến nhóm chuyên gia đằng sau dự án ENCODE kết luận rằng 80% bộ gien di truyền tạo ra “hoạt động hóa sinh đặc trưng”.
Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) đã đứng về phía còn lại của cuộc tranh luận với báo cáo đăng trên chuyên san PLOS Genetics: Kết quả phân tích thông tin di truyền trên máy tính từ nhiều động vật hữu nhũ khác nhau cho thấy chỉ có 8,2%, tức khoảng 250 triệu kí tự ADN đang hoạt động, và hơn 2 tỉ còn lại không làm gì cả.
Không dừng lại ở đó, chỉ hơn 1% chịu trách nhiệm hầu hết mọi chức năng sinh học của cơ thể, trong khi 7% còn lại có thể đóng vai trò điều phối các gien mã hóa protein bằng cách xác định khi nào “bật” khi nào “tắt”. Phát hiện mới có thể giúp rút ngắn các cuộc nghiên cứu về bệnh tật và các rối loạn ở người. “Nếu cần phải nhìn vào những vùng diễn ra đột biến gây bệnh tật, chúng ta chỉ cần tập trung vào khoảng 8,2% của chuỗi ADN”, theo báo cáo. Dự kiến sẽ còn mất nhiều thời gian và tranh cãi trước khi biết được phe thắng cuộc về vấn đề ADN rác.
Theo Thanh Niên.
Bình luận