Giám đốc điều hành Hector Ruiz đã từ chức vào hôm thứ 5 vừa qua, sau 6 năm bất ổn với cương vị CEO của Advanced Micro Devices. Hãng sản xuất chip cạnh tranh trực tiếp với Intel này đang cố thoát ra khỏi vũng lầy về tài chính sau một vụ sáp nhập ATI đáng ngờ và một sự cố lỗi sản phẩm lớn.
Ruiz, 62 tuổi, từng là người duy nhất dẫn dắt AMD sau "triều đại" của Jerry Sanders - nhà sáng lập kiêm CEO trong nhiều năm, đã từ chức giám đốc điều hành AMD nhưng vẫn nằm trong ban giám đốc điều hành. Ông là một trong số ít các CEO người Tây Ban Nha trong nhóm các tập đoàn lớn của Mỹ, từng là chủ tịch AMD.
Chủ tịch và giám đốc vận hành hiện tại của AMD, Dirk Meyer, 46 tuổi, sẽ thay thế vị trí CEO của ông Ruiz. Meyer là kỹ sư và chuyên gia thiết kế cấu trúc vi xử lý, người từng hỗ trợ Ruiz điều hành công ty từ năm 2006. Điều này giúp Meyer có thể tiếp quản công việc điều hành AMD ngay lập tức, cũng như gánh vác thêm trách nhiệm vào hiện trạng tài chính thua lỗ hiện nay của tập đoàn chip xử lý này.
"Tôi không có điều gì phải hối tiếc nhiều" Ruiz trả lời phỏng vấn trên AP. "Chúng tôi có một đội ngũ tài năng xuất chúng trong công ty này, và đã tạo dựng vị thế cho AMD trở thành một đối thủ thực sự với các hãng chip hàng đầu thế giới. Nhưng để trở thành một đối thủ và giành được chiến thắng hoàn toàn, chúng tôi chưa đi tới được cái đích ấy... Đây là thời điểm hoàn hảo để chuyển giao chiếc gậy quyền lực cho những người như Dirk."
Meyer đã từng điều hành bộ phận vi xử lý của AMD, lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn này. Các bộ vi xử lý là thiết bị đóng vai trò não bộ của các hệ thống máy tính cá nhân.
Hầu hết các hệ thống máy tính cá nhân và máy chủ trên thế giới đều sử dụng bộ xử lý của AMD hoặc của đối thủ nặng ký Intel. Hiện Intel chiếm 80% thị trường vi xử lý trên toàn cầu. AMD chiếm khoảng gần 20% thị phần.
Meyer là người đã tham gia vào quá trình thiết kế chip xử lý máy chủ Opteron của AMD, sản phẩm đánh dấu sự đột phá và đạt lợi nhuận cao trong thị trường chip xử lý máy chủ của hãng trong năm 2003. Sự thành công của Opteron và tạo ra các khách hàng mới đã giúp AMD chuyển đổi từ một đối thủ chiếu dưới lên ngang tầm của Intel trong tất cả các nền tảng điện toán.
Sự thay đổi lãnh đạo của AMD diễn ra trong bối cảnh hãng thông báo đã lỗ 1,19 tỉ USD trong quý 2 vừa qua, tồi tệ hơn nhiều so với mức lỗ 600 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Tính thêm cả các sự kiện thua lỗ khác, cổ phiếu của AMD đã mất khoảng 60 cent/cổ phiếu, tệ hơn cả mức dự đoán 52 cent của các nhà phân tích Thomson Financial.
Thiệt hại tài chính lớn nhất của AMD nằm ở các bộ phận sản xuất chip cho ĐTDĐ và các bộ thiết bị TV số. Các hoạt động kinh doanh này được AMD triển khai sau khi hãng thực hiện vụ thâu tóm ATI Technologies, và cả hai đều hoạt động dưới mức hiệu quả vốn có, khiến AMD bị lỗ 876 triệu USD, giảm 1,44 USD/cổ phiếu.
(Theo Vietnamnet/AP)
Bình luận