Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT&TT quyết định việc chuyển đổi theo quy định hiện hành và chịu trách nhiệm thực hiện cổ phần hóa Mobifone theo đúng Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam giai đoạn 2011-2015.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, việc trình đề án thành lập Tổng công ty MobiFone được dựa trên Quy hoạch 32/2012/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, trong đó ghi rõ mục tiêu tái cơ cấu thị trường viễn thông là sẽ hình thành 3 - 4 tập đoàn, tổng công ty mạnh, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên viễn thông từng bước làm chủ thị trường trong nước và vươn ra quốc tế. Hiện thị trường viễn thông đã có 2 tập đoàn rất mạnh là Viettel và VNPT, do đó nếu để MobiFone theo mô hình công ty sẽ rất khó cạnh tranh với 2 tập đoàn này. Việc hình thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone nhằm đảm bảo quy hoạch có từ 3 - 4 tổng công ty viễn thông mạnh, hình thành thế chân vạc trên thị trường viễn thông.
Theo Nghị định 69/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì tiêu chí thành lập các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, các tổng công ty mới phải có vốn điều lệ 1.800 tỉ đồng trở lên, doanh nghiệp phải 3 năm làm ăn có lãi. Trong khi đó, MobiFone có vốn điều lệ 12.000 tỉ đồng, liên tục nhiều năm liền nằm trong top các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam. Vì vậy, MobiFone có đủ điều kiện để hình thành Tổng công ty theo quy định của Chính phủ.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, MobiFone hiện có quy mô lớn, có mạng lưới trên toàn quốc, thị trường cung cấp dịch vụ trải dài khắp đất nước, cung cấp dịch vụ di động và các dịch vụ giá trị gia tăng. MobiFone cũng cung cấp dịch vụ ở nước ngoài và có 3 công ty con. Quy mô thị trường lớn và tầm hoạt động rộng, nếu để theo mô hình công ty là "chiếc áo" quá chật,
Vẫn theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, khi còn trực thuộc Tập đoàn VNPT, MobiFone sử dụng nhiều hạ tầng mạng lưới của VNPT trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ yếu kinh doanh dịch vụ di động. Khi tách ra khỏi VNPT thì MobiFone cần được cấp thêm giấy phép để cung cấp những dịch vụ khác như hạ tầng truyền dẫn, các dịch vụ vệ tinh, dịch vụ giá trị gia tăng khác để MobiFone có đủ điều kiện cạnh tranh nganh bằng với các tập đoàn viễn thông khác. Hiện nay, hoạt động dưới mô hình Tập đoàn, VNPT và Viettel có nhiều công ty kinh doanh chuyên biệt, do đó cũng phải tổ chức MobiFone theo mô hình tương tự.
"Tổ chức MobiFone với mô hình Tổng công ty thì khi cổ phần hóa sẽ làm tăng giá trị thương hiệu MobiFone. Ở nước ngoài, giá trị giấy phép viễn thông có khi lên đến hàng tỉ USD, do đó khi MobiFone được cấp thêm các giấy phép sẽ giúp giá trị thương hiệu được đánh giá tốt hơn, giá trị doanh nghiệp được nâng cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho MobiFone khi cổ phần hóa", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng còn cho rằng, tiến hành cổ phần hóa MobiFone sẽ có thuận lợi bởi công ty này đang làm ăn hiệu quả, nhiều đối tác nước ngoài quan tâm muốn đầu tư vào MobiFone. Để tiến hành cổ phần hóa MobiFone, Bộ TT&TT sẽ phải thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa, xây dựng đề án cổ phần hóa trên nguyên tắc minh bạch, rõ ràng.
"Khi tiến hành bán cổ phần doanh nghiệp này sẽ tuân thủ theo các quy định của nhà nước và điều ước quốc tế về mà Việt Nam đang tham gia hoặc đang đàm phán để tham gia. Theo quy định trong WTO các doanh nghiệp được mua đối đa 49% cổ phần của MobiFone. MobiFone sẽ phải lựa chọn nhà đầu tư chiến lược tốt nhất", Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói
Theo ICTnews.
Bình luận