Các nhà khoa học tại trường đại học Florida đang nghiên cứu hệ thống có thể tái chế phân người trên Mặt trăng thành nhiên liệu cho tên lửa.

Năm 2006, NASA bắt đầu kế hoạch xây dựng một trạm nghiên cứu có người ở trên Mặt trăng vào thời gian từ 2019 đến 2024. Trong kế hoạch này, NASA muốn giảm trọng lượng của tàu vũ trụ khi rời khỏi Trái đất và giải pháp xử lí rác thải trên tàu vũ trụ đã được tính đến.

Hiện tại, NASA lựa chọn giải pháp chứa rác trong các thùng cho đến khi chúng được đưa lên một phương tiện vận tải không gian. Phương tiện này cùng rác sẽ bị đốt cháy hoàn toàn khi bay qua bầu khí quyển Trái đất.

Đối với những sứ mệnh dài hơn trong tương lai, giải pháp đưa tất cả rác trên tàu vũ trụ trở về Trái đất là thiếu thực tế, trong khi chôn rác trên bề mặt Mặt trăng không phải là lựa chọn tối ưu. Do vậy NASA đã hợp tác với trường đại học Florida (Mỹ) để phát triển các ý tưởng thử nghiệm.

“Chúng tôi đang cố gắng tính toán lượng khí mê tan có thể được tạo ra từ thức ăn thừa, thực phẩm đóng hộp và phân của các phi hành gia”, Pratap Pullammanappallil, chuyên gia về sinh vật học và nông nghiệp tại trường đại học Florida, cho biết. “Khí mê tan có thể được sử dụng làm nhiên liệu cho tên lửa trở về Trái đất từ Mặt trăng”.

Ông Pullammanappallil cho biết NASA đã bắt đầu bằng việc cung cấp cho các nhà khoa học tại trường đại học Florida dạng đóng gói của rác trên hành trình của tàu vũ trụ, bao gồm phân người, thực phẩm thừa, khăn tắm, quần áo và vật liệu đóng hộp.

Sau khi kiểm tra trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu của ông Pullammanappallil phát hiện quá trình tái chế số rác trên có thể tạo ra khoảng 290 lít khí mê tan mỗi ngày và chúng có thể sinh khí mê tan trong vòng 1 tuần. Quá trình này cũng tạo ra khoảng hơn 750 lít nước sạch hàng năm.

Thông qua quá trình điện phân, nước sau đó có thể được tách thành hyđrô và ôxy. Các phi hành gia có thể sử dụng ôxy để thở như một hệ thống dự phòng. Trong khi đó hyđrô có thể kết hợp với CO2 để tạo thành khí mê tan và nước.

Ông Pullammanappallil cho biết quy trình này có thể được áp dụng trên Trái đất tại các trường đại học hay bất cứ đâu để biến rác thành nhiên liệu.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)