Hãng Gamma – Hungary giới thiệu về hệ phổ tích hợp Beta – Gamma nghiên cứu hạt nhân cho Đại khoa Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: Năng lượng Việt Nam.

Hungary tặng thiết bị nghiên cứu hạt nhân cho Việt Nam

Trong những năm vừa qua, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Hungary về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2012 đến nay, Hungary đã giúp Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kĩ năng thực hành cho gần 200 cán bộ giảng viên của 6 cơ sở giáo dục đại học được giao đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam.

Vào sáng ngày 11/11/2014 vừa qua, tại Hà Nội, hãng Gamma – Hungary đã trao tặng hệ phổ tích hợp Beta - Gamma cho Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Thiết bị là hệ thống đo phổ năng lượng bức xạ Gamma - Beta hiện đại nhất trên thế giới, được nhiều quốc gia sử dụng. Thiết bị này bao gồm: than chì, máy tính, đầu dò cùng trong một hệ.

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhận định, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước hợp tác mới trong việc thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXH chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hungary về hợp tác đào tạo, nghiên cứu, pháp quy và kĩ thuật trong sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Với việc tiếp nhận thiết bị hạt nhân do hãng Gamma tài trợ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có thêm điều kiện cho cán bộ và sinh viên ngành kĩ thuật hạt nhân gắn kết hơn nữa việc kết hợp học lí thuyết với thực hành. Ngoài ra, thiết bị này còn hỗ trợ các nhà nghiên cứu trong việc đo lường chính xác các thông số hạt nhân, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.

Hàn Quốc tài trợ hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam

Một sự kiện quan trọng khác, Trường Đại học Đà Lạt đã tiếp nhận hệ thống thiết bị mô phỏng lò phản ứng hạt nhân thời gian thực OPR1000 Core Simulator (CoSi) do Hàn Quốc tài trợ vào ngày 24/11.

Thiết bị này có trị giá 500.000 USD do Tập đoàn Thủy điện – Điện Hạt nhân Hàn Quốc (CRI-KHNP) cùng một số cơ quan, đơn vị của Hàn Quốc tài trợ cho Việt Nam. Hệ thống thiết bị này đã được CRI-KHNP đầu tư nghiên cứu với chi phí lên đến 2 triệu USD, nhằm mô phỏng tính toán các thông số thực của lò phản ứng OPR 1000; cung cấp, dự báo những sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của lò.

Nhận được sự tài trợ từ Hàn Quốc, trường Đại học Đà Lạt sẽ dùng thiết bị này để sinh viên thực nghiệm mô phỏng tại phòng thí nghiệm công nghệ hạt nhân của trường trước khi tham gia các hoạt động thực tế tại Lò phản ứng hạt nhân (Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt). Đây là hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân thời gian thực đầu tiên có mặt tại một trường đại học của Việt Nam.

Ảnh
Trường Đại học Đà Lạt của Việt Nam nhận hệ thống mô phỏng lò phản ứng hạt nhân do Hàn Quốc tài trợ. Ảnh minh họa

Cùng ngày, tại Đà Lạt, Hiệp hội kĩ thuật hạt nhân Hàn Quốc (KNA), CRI-KHNP và Đại học Hangyang (Hàn Quốc) đã phối hợp với Trường Đại học Đà Lạt tổ chức hội thảo phát triển nguồn năng lượng hạt nhân cho Việt Nam, với sự tham gia của hàng chụcchuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hạt nhân đến từ Hàn Quốc. Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực năng lượng nguyên tử của Hàn Quốc; chương trình mẫu phát triển nhân lực cho năng lượng nguyên tử của Việt Nam; đào tạo nguồn nhân lực để tạo ra các thiết bị về năng lượng nguyên tử; kinh nghiệm về nội địa hóa công nghệ nhà máy điện hạt nhân…

Ngoài ra, các chuyên gia của Tập đoàn Thủy điện-Điện hạt nhân Hàn Quốc cũng đã trình bày khái quát quá trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân, từ công tác khảo sát, đánh giá tác động môi trường cho đến khi xây dựng và hoàn thành.

Theo Vietq.




Bình luận

  • TTCN (0)