Tiết kiệm thời gian, chi phí
Chị Thu (25 tuổi, Hà Nội) mua chiếc điện thoại di động mới về dùng chưa được một tuần thì lại được tặng một chiếc smartphone (điện thoại thông minh) chất lượng. Chị Thu đắn đo mãi, không biết “xử lý” ra sao với chiếc điện thoại di động “thừa” vừa mua. Khi mang ra hàng thu mua điện thoại cũ, họ chỉ chấp nhận trả một nửa tiền so với giá lúc mua khiến chị Thu tiếc đứt ruột, vì điện thoại còn mới nguyên, mới dùng được vài ngày.
Nghe theo lời khuyên của bạn, chị Thu mang lên diễn đàn trực tuyến rao bán và kết quả vượt ngoài sự mong đợi của chị, bởi người mua trả giá chỉ kém giá mua mới vài trăm nghìn đồng. Vậy là người bán cũng hài lòng, người mua cũng thoải mái vì sở hữu chiếc điện thoại gần như mới với giá hời.
Cũng bởi nhu cầu của bên bán và mua dễ “gặp nhau” như vậy qua kênh trực tuyến, nên các trang mạng, diễn đàn online hỗ trợ thanh lí ngày càng xôm tụ. Chỉ cần đăng món đồ muốn thanh lí, chụp ảnh thực tế, chia sẻ số điện thoại liên hệ là người bán đã có thể giới thiệu món đồ của mình tới cộng đồng người dùng trực tuyến đông đảo, trong khi người mua cũng có nhiều lựa chọn tìm kiếm.
Bên cạnh những diễn đàn mạng xã hội Facebook phổ biến cũng là nơi có những “hội” được lập ra để chia sẻ các thông tin rao bán đồ thanh lí, tìm mua đồ cũ của mọi người.
“Mình thấy rất thú vị khi phát hiện ra rằng nếu chịu khó lùng tìm một chút thì mua đồ thanh lí vừa tốt, vừa tiết kiệm. Mình đã mua được một chiếc tủ đựng quần áo khá đẹp và chắc chắn với giá chỉ 200.000 đồng, mua TV chưa tới 500.000 đồng, rồi cả tủ lạnh, điện thoại nữa. Vì là đồ thanh lí của gia đình nên không lo ngại chuyện bị “luộc” thành phần bên trong. Hình thức mua bán này giúp mình tiết kiệm khá nhiều thời gian, vì chỉ cần ngồi nhà với chiếc máy tính là có thể tham khảo nhiều mặt hàng có nhu cầu” - bạn Hùng vừa tốt nghiệp đại học và đang làm ở một công ty tư nhân chia sẻ.
Dễ “sập bẫy” lừa đảo
Rất nhiều món đồ thanh lí xuất hiện trên các diễn đàn, website rao vặt, mạng xã hội để đáp ứng nhu cầu của bên bán, bên mua, từ thiết bị di động (smartphone, tablet), đồ điện tử điện lạnh (TV, máy giặt, tủ lạnh…) cho tới giường, tủ, quần áo, giày dép, sữa bột, xe máy…
Tuy nhiên, lợi dụng sự phong phú hàng hóa này, không ít cửa hàng đồ cũ đã gắn mác thanh lí “đồ không dùng của cá nhân” để rao bán.
Anh Hiếu - một người có kinh nghiệm trong giao dịch trực tuyến - cho hay: “Tâm lí của người tiêu dùng phổ thông là thích mua đồ cũ của gia đình hay cá nhân. Nhưng với dạng đồ cũ ở cửa hàng thì khác. Vì các cửa hàng có thợ chuyên môn nên họ có thể “hô biến” những đồ cũ hỏng thành dùng được, nhưng chỉ một thời gian thôi, các linh kiện kém chất lượng thay thế ở trong bị hỏng thì bằng bỏ đi. Người mua khó có thể tự xác minh được chất lượng bên trong món đồ ở cửa hàng thanh lý”.
Do vậy, theo anh Hiếu, để tránh rơi vào “bẫy” của các cửa hàng bán đồ cũ núp danh “thanh lí cá nhân” trên các trang mạng thì cần phải theo dõi lịch sử rao bán của người đăng, nếu thấy những ý kiến phản hồi tiêu cực thì nên tránh xa.
Công nghệ ngày càng hiện đại, việc mua bán trực tuyến đang trở nên ngày càng phổ biến, vì nó giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người có nhu cầu. Song bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tỉnh táo trước những “chiêu” lừa đảo để tránh mua phải những mặt hàng không còn nhiều giá trị sử dụng.
Theo Lao Động.
Bình luận