Trao đổi với Infonet chiều 3/12/2014, ông Nguyễn Thế Tân nhấn mạnh: "Khi thảo luận về câu chuyện có nên cấm dịch vụ taxi Uber tại Việt Nam hay không, điều cần quan tâm nhất là dịch vụ này có đem lại lợi ích cho người tiêu dùng không. Nếu dịch vụ có ích cho người dân, rẻ hơn, văn minh hơn, tốt hơn các dịch vụ taxi truyền thống thì không có lí do gì mà không ủng hộ để Uber phát triển".
Với góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, ông Nguyễn Thế Tân khẳng định: Phần mềm Uber đã và đang làm thay đổi mô hình kinh doanh taxi, thay đổi mô hình vận chuyển hành khách bằng taxi.
Trước đây khi bắt taxi theo kiểu gọi qua tổng đài thì người tiêu dùng phải chờ đợi một cách bị động, không biết xe taxi có đến hay không. Nay với phần mềm Uber thì có thể biết xe nào đón mình và bao lâu nữa sẽ đến đón.
Thậm chí biết được tài xế nào đến đón, nếu nhìn vào thông tin cá nhân của tài xế hiển thị trên phần mềm mà có nhiều lời phàn nàn thì có thể từ chối tài xế này luôn. Nếu lỡ quên đồ trên xe thì có thể liên hệ với tài xế để tìm lại đồ một cách nhanh chóng.
Trước nhiều quan điểm trái chiều cho rằng nên cấm dịch vụ này vì tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hành khách như không có bảo hiểm nếu xảy ra tai nạn, ông Nguyễn Thế Tân chia sẻ: “Lo ngại này là đúng nhưng trên thực tế thì làm bất cứ việc gì cũng đều có rủi ro. Những rủi ro về Uber hiện mới chỉ là trong dự đoán chứ chưa có rủi ro nào xảy ra trên thực tế.
Trên mạng chỉ thấy người dùng khen Uber chứ không thấy phàn nàn về Uber. Tôi thích nhà quản lí vận hành các biện pháp quản lí theo thực tế hơn là nhà quản lí đưa ra các biện pháp quản lí theo dự đoán đơn thuần.
Nếu có rủi ro thì phải tìm cách để hạn chế rủi ro chứ không nên “cấm tiệt” dịch vụ. Tôi cho rằng cách tốt hơn là giúp Uber phát triển, đồng thời ban ra điều luật để điều chỉnh, hạn chế rủi ro tiềm năng, thay vì chúng ta thấy có dịch vụ mới, nghĩ đến chuyện có rủi ro, sợ quá cấm luôn”.
Chia sẻ thêm về chuyện Uber đang làm ảnh hưởng tới doanh thu của các hãng taxi truyền thống, ông Nguyễn Thế Tân đưa ra một cách nhìn mới: “Các hãng kinh doanh thì phải chấp nhận rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra trên thương trường khi dịch vụ của mình kém hơn dịch vụ của nhà cung cấp khác.
Cũng giống như các nhà mạng đang bị thiệt hại khi các dịch vụ OTT như Viber ra mắt, hoặc các báo mất pageview khi Facebook phát triển. Cách tốt nhất là các hãng taxi hãy tìm ra cách phục vụ chất lượng cao, giá rẻ hơn Uber.
Khách hàng chỉ cần biết dịch vụ nào tốt hơn, giá rẻ hơn thì dùng. Mặt khác, các hãng taxi cũng nên đề xuất các cơ quan quản lí Nhà nước quan tâm tháo gỡ những hạn chế không cần thiết nhằm giúp các hãng taxi cạnh tranh tốt hơn. Cốt lõi là làm thế nào để gia tăng lợi ích của người tiêu dùng chứ không chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nào đó”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thế Tân cũng lưu ý: “Nếu chúng ta ủng hộ Uber quá, cứ để kệ dịch vụ Uber phát triển thì sẽ có thể làm nhiễu loạn thị trường, gây khó cho các hãng taxi và không quản lí được Uber nếu xảy ra những vấn đề bất cập.
Đặc điểm của Uber là dịch vụ cung cấp xuyên biên giới. Chúng ta nên ủng hộ Uber phát triển nhưng không “thả nổi” dịch vụ này. Cần nhanh chóng ban hành các điều luật mới phù hợp đối với các dịch vụ như Uber.
Nếu họ không tuân thủ quy định về hoạt động kinh doanh xuyên biên giới trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ cấm họ hoạt động. Tôi cho rằng không có Uber thì sẽ có hãng khác. Nếu Uber từ chối tuân thủ quy định tại Việt Nam thì sẽ có công ty ở Việt Nam thay thế họ ngay lập tức”.
Theo Infonet.
Bình luận