2014 là một năm ghi nhận sự gia tăng của tấn công máy tính, thiết bị di động. Ảnh minh họa: Internet

Mỗi năm, các chuyên gia Kaspersky Lab đều đánh giá mức độ của các mối đe dọa trên không gian mạng. Năm 2014 cũng không ngoại lệ, họ nhận thấy sự tăng trưởng đáng kể về số lượng của các cuộc tấn công trên máy tính và thiết bị di động của người dùng. Đặc biệt là sự phát triển của phần mềm độc hại nhắm mục tiêu vào lĩnh vực tài chính.

Trong năm 2013, hầu hết các cuộc tấn công web được thực hiện bằng cách sử dụng các nguồn tài nguyên web độc hại tập trung ở Mỹ và Nga. Trong khi đó, vào năm 2014 thì Đức là quốc gia có số lượng trang web độc hại nhiều nhất, còn Hà Lan vẫn xếp ở vị trí thứ 3.

Những con số đáng chú ý trong năm 2014:

- 6,2 tỉ cuộc tấn công độc hại trên máy tính và các thiết bị di động. Đây là con số thống kê dựa trên khả năng phát hiện và ngăn chặn bởi các sản phẩm chống virus của Kaspersky Lab trong năm 2014, nhiều hơn 1 tỉ so với năm 2013.

- 38% người sử dụng máy tính phải chịu ít nhất một cuộc tấn công web trong 1 năm.

- Những vụ đánh cắp tiền trực tuyến thông qua tài khoản ngân hàng đã bị ngăn chặn trên hầu hết 2 triệu máy tính của người dùng.

- Chức năng chống vi rút trên web của Kaspersky Lab phát hiện hơn 123 triệu mã độc: 74% trong số chúng đã được tìm thấy tại các URL (đường dẫn) độc hại.

-Tổng cộng 3,7 triệu nỗ lực tấn công lây nhiễm các máy tính chạy hệ điều hành Mac OS X đã bị chặn.

- Ngăn chặn 1,4 triệu cuộc tấn công trên các thiết bị Android, gấp bốn lần so với năm ngoái, thống kê từ ứng dụng Kaspersky.

Tấn công trên thiết bị di động

- 295.500 phần mềm độc hại mới trên thiết bị di động được phát hiện, nhiều hơn 2,8 lần so với năm 2013.

- Phát hiện 12.100 Trojans ngân hàng trên di động, gấp 9 lần so với năm ngoái.

- 53% các cuộc tấn công nhắm vào mục tiêu di động nhằm đánh cắp tiền của người sử dụng (SMS-trojan, Trojans ngân hàng)

- 19% người dùng Android gặp phải ít nhất một mối đe dọa đối với thiết bị di động của mình một lần trong năm qua.

- Các cuộc tấn công phần mềm độc hại trên di động đã được phát hiện trên hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới

Roman Unuchek, Chuyên gia phân tích mã độc trên di động tại Kaspersky Lab, cho biết: “Năm 2011 là năm của sự hình thành phần mềm độc hại trên di động, đặc biệt là trên các thiết bị dựa trên nền tảng Android. Năm 2012 chúng bắt đầu phát triển và năm 2013 là khi chúng đạt đến sự trưởng thành. Trong năm 2014, phần mềm độc hại di động tập trung vào các vấn đề tài chính: Số lượng Trojans ngân hàng di động tăng gấp 9 lần so với năm trước đó và tiếp tục phát triển ở mức báo động”.

Tấn công trên lĩnh vực tài chính

Những kẻ lừa đảo chuyên về phần mềm độc hại tài chính có lẽ lấy cảm hứng từ việc "đồng nghiệp" của chúng đã đánh cắp tiền qua máy tính cá nhân trong nhiều năm. Trong đó, phổ biến nhất là Trojan ngân hang Zeus, tiếp theo là ChePro và Lohmys.

Ảnh
Nổi bật của tấn công mạng trong năm 2014 là đánh cắp tiền, tài khoản ngân hàng. Ảnh minh họa: Internet

75% các cuộc tấn công nhằm đánh cắp tiền của người sử dụng được thực hiện bằng cách sử dụng phần mềm độc hại ngân hàng, nhưng đây không phải là mối đe dọa duy nhất về tài chính. Đánh cắp tiền ảo Bitcoin là mối đe dọa ngân hàng phổ biến nhất thứ hai (14%). Phần mềm khai thác Bitcoin là một mối đe dọa khác liên quan đến tiền tệ ảo, sử dụng tài nguyên máy tính để tạo ra Bitcoins.

Maria Garnaeva, Chuyên gia tại Viện nghiên cứu và phân tích toàn cầu củaKaspersky Lab, cho biết: "Một trong những cách hiệu quả nhất để phát tán phần mềm độc hại đến máy tính là khai thác lỗ hổng trong Oracle Java và trong các trình duyệt như Internet Explorer, Mozilla Firefox... Bên cạnh đó, tội phạm mạng tiếp tục khai thác lỗ hổng bảo mật đối với Adobe Reader".

"Những thủ thuật lây nhiễm này vẫn còn phổ biến, đơn giản bởi vì các trò lừa đảo trên mạng xã hội vẫn còn hiệu quả. Mỗi năm, Kaspersky nhận thấy tội phạm mạng sáng tạo hơn trong việc thu hút nạn nhân. Đó là lí do tại sao người nhận vẫn sẵn sàng đọc một e-mail có vẻ như vô hại từ một nguồn lạ, sau đó mở tập tin hoặc các liên kết kèm theo, và cuối cùng tự đưa mình đến các chương trình độc hại", Maria Garnaeva giải thích thêm.




Bình luận

  • TTCN (0)