Ngày 9/12/2014, Ban Quản lí Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam" (BMGF-VN) tổ chức lễ sơ kết Dự án bước 2, giai đoạn II. BMGF-VN là dự án nhằm đưa máy tính và Internet đến người dân ở 40 tỉnh khó khăn tại Việt Nam Bộ TT&TT chủ trì và phối hợp với Bộ VH-TT&DL, UBND các tỉnh, VietnamPost...Quỹ Bill & Melinda Gates là nhà tài trợ cho dự án.
Theo đó, trong bước 2, giai đoạn II có 16 tỉnh tham gia BMGF-VN gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau, Vĩnh Long và Đồng Tháp. Tổng cộng 665 điểm Thư viện công cộng và Bưu điện văn hóa xã ở 16 tỉnh đã tiếp nhận hơn 4.600 bộ máy tính có kết nối Internet. Nhờ hàng trăm lớp đào tạo cùng nhiều sự kiện truyền thông, 62,29% người dân đã đến các điểm truy nhập tìm kiếm thông tin sản xuất nông nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế gia đình. Cũng theo các thống kê, 20% khách truy nhập thường xuyên là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại 16 tỉnh, có tới 959.000 lượt người sử dụng máy tính tại các điểm truy nhập công cộng với 4,3 triệu giờ truy nhập hữu ích. Thực tế cũng cho thấy nhiều người dân ở các tỉnh tham gia dự án đã biết tận dụng Internet hiệu quả để áp dụng vào sản xuất cũng như học tập, sáng tạo. Điển hình như hai nhà khoa học nhí lớp 4 ở Lạng Sơn đã sáng chế ra “Đèn bắt muỗi và côn trùng tự động” đạt giải thưởng sáng tạo trẻ; thầy giáo tiểu học ở Bình Thuận tự soạn giáo trình điện tử…
Tuy đã thu được những thành công không nhỏ, nhưng nhiều ý kiến cũng bày tỏ những khó khăn lớn mà các bên tham gia dự án phải cùng bắt tay giải quyết tháo gỡ, nhằm đảm bảo tính hiệu quả bền vững. Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, một trong những yếu tố then chốt để BMGF-VN thành công chính là nội dung truy cập. Thứ trưởng đánh giá hiện nay trẻ em vào mạng chủ yếu để chơi game. Dù cũng có một số chương trình về tiếng Anh, học tập, nhưng còn quá đơn giản. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị như VietnamPost, các thư viện công cộng kết hợp với dự án cũng như các tỉnh phải quan tâm phát triển nội dung, không nên trông chờ vào nhà tài trợ. "Nội dung vô cùng quan trọng, máy tính, đường truyền chỉ là phương tiện" Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam VietnamPost (đơn vị quản lí các điểm bưu điện văn hóa xã), việc triển khai dự án ở những vùng sâu vùng xa theo tiêu chí của nhà tài trợ tuy có ý nghĩa về chính trị, xã hội tốt, nhưng đứng dưới góc độ của doanh nghiệp thì tính hiệu quả là chưa cao, do sự di dân hay thay đổi về cơ cấu ở các vùng miền trong quá trình triển khai dự án. Công tác truyền thông vận động cũng chưa thực sự tốt. Ông Vinh kiến nghị được linh hoạt chuyển sang triển khai dự án ở các địa điểm mới nếu nhận thấy có sự thay đổi về cơ cấu ở các vùng miền nằm trong kế hoạch từ trước. Ông cũng đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các Sở TT&TT hỗ trợ tuyên truyền dự án qua phương tiện thông tin đại chúng, đài phát thanh xã để người dân biết và chủ động tìm đến các điểm truy nhập.
Tại buổi sơ kết này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhận định; “Với một Dự án có ý nghĩa đối với đời sống của người dân nông thôn như BMGF-VN, các bên liên quan cần quyết tâm duy trì tính bền vững, đảm bảo duy trì hiệu quả một cách lâu dài”. Quan điểm này cũng nhận được sự chia sẻ của đại diện nhà tài trợ. Bà Deborah Jacob, Giám đốc Chương trình Thư viện toàn cầu - Quỹ Bill & Melinda Gates cho rằng: “Điều quan trọng là tiếp tục tìm hiểu về nhu cầu của người dân, đánh giá sự thay đổi trong cuộc sống của họ, cơ hội mang lại cho họ về giáo dục, nông nghiệp, sức khoẻ…; tiếp tục huấn luyện đào tạo cán bộ để đảm bảo nhiều năm sau, những gì thực hiện vẫn phải tốt như hiện tại”.
BMGF-VN sẽ được triển khai ở tổng cộng 400 điểm Thư viện công cộng (cấp tỉnh, huyện) và 1.000 điểm BĐVHX, 500 thư viện xã trên địa bàn 40 tỉnh khó khăn tại Việt Nam. Thời gian thực hiện là 5 năm (2011 - 2016), và tổng kinh phí của Dự án là hơn 50 triệu USD. Trong thời gian này, Dự án sẽ cung cấp, lắp đặt 12.070 máy tính nối mạng Internet băng thông rộng và thiết bị phụ trợ cho 1.900 điểm thư viện công cộng và BĐVHX; đào tạo kĩ năng cho gần 2.000 cán bộ quản lí, nhân viên. Dự kiến, sau 5 năm sẽ có thêm khoảng 760.000 người ở nông thôn được sử dụng máy tính và Internet.
Theo ICTnews.
Bình luận