Thông tư số 18 do Bộ TT&TT ban hành ngày 26/11/2014 nêu rõ: thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện phải có giấy phép nhập khẩu là thiết bị hoàn chỉnh có đặc tính kĩ thuật, mô tả hàng hóa theo đúng chỉ tiêu kĩ thuật, cấu trúc thiết kế, có thể hoạt động độc lập; không áp dụng đối với các linh kiện hoặc phụ kiện của các thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện này và không bao gồm thiết bị chỉ thu sóng vô tuyến điện.
Cụ thể, thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện có băng tần số nằm trong khoảng từ 9 KHz đến 400 GHz và công suất từ 60 mW trở lên (gọi chung là thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện) thuộc diện quản lí chuyên ngành của Bộ TT&TT.
Bao gồm: thiết bị trạm gốc thông tin di động (GSM, CDMA 2000-1x, W-CDMA FDD, DECT, PHS, hệ thống băng rộng); điện thoại không dây; điện thoại di động mặt đất, thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất; thiết bị điện thoại vô tuyến MF, HF, VHF, UHF dùng cho nghiệp vụ thông tin vô tuyến cố định hoặc di động mặt đất…
Ngoài ra còn có thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho truyền hình quảng bá, phát thanh quảng bá; thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện chuyên dùng cho định vị và đo đạc từ xa (trừ thiết bị dùng ngoài khơi cho ngành dầu khí)…
Các thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện nhập khẩu cần phải đáp ứng các điều kiện: phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kĩ thuật do Bộ TT&TT ban hành hoặc công bố bắt buộc áp dụng; phù hợp với vị trí lắp đặt thiết bị và các quy định về quản lí viễn thông; phù hợp với các Quy hoạch tần số vô tuyến điện, các quy định về sử dụng tần số vô tuyến điện và mục đích nhập khẩu.
Những thiết bị không đáp ứng các điều kiện trên hoặc nhập khẩu phục vụ cho các mục đích đặc biệt thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ TT&TT đối với từng trường hợp cụ thể.
Thông tư số 18 cũng quy định rõ các thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện được miễn giấy phép nhập khẩu bao gồm: thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài, đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam được hưởng quy chế ưu đãi, miễn trừ ngoại giao; phóng viên nước ngoài vào hoạt động báo chí không thường trú ở Việt Nam (có giấy phép hoạt động báo chí của Bộ Ngoại giao).
Khi sử dụng các thiết bị phải được Cục Tần số vô tuyến điện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, các thiết bị được miễn giấy phép nhập khẩu còn có điện thoại di động mặt đất (không miễn giấy phép nhập khẩu đối với điện thoại di động vệ tinh) kí gửi cùng chuyến hoặc không cùng chuyến của người nhập cảnh hoặc được nhập khẩu theo đường bưu chính, dịch vụ chuyển phát quốc tế để phục vụ cho mục đích cá nhân; điện thoại di động mặt đất tạm xuất, tái nhập để phục vụ mục đích bảo hành, sửa chữa, thay thế với điều kiện còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/1/2015. Cục Viễn thông thuộc Bộ TT&TT là cơ quan cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện.
Theo ICTnews.
Bình luận