Theo đó, thông tư yêu cầu người bán hàng trên mạng xã hội phải thực hiện kê khai và nộp thuế. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 20/1/2015.
Ý kiến của hầu hết cư dân mạng cho thấy, họ không hiểu bộ Công Thương sẽ áp dụng kĩ thuật hay giải pháp nào để kiểm soát được hết những người bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội như Facebook.
“Nếu đây chỉ là 1 chủ trương ban hành cho có, để chứng tỏ ngành có quan tâm quản lí thương mại điện tử, thì nói thật sẽ không thu được kết quả gì”, một quản trị diễn đàn kế toán nói.
Liệu có thực thi ?
Câu hỏi được đặt ra với Thông tư 47 theo đó, là liệu văn bản này có tính thực thi ? Đánh giá của số đông nhận định, những ý tưởng quản lí đưa ra rất tốt, có điều để làm được như mong muốn, có lẽ còn cần nhiều thời gian !
Cụ thể Thông tư quy định hoạt động bán hàng trên mạng xã hội phải tuân thủ các điều khoản ở Nghị định số 52 như cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin trụ sở thương nhân, giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, các số điện thoại liên lạc…; cung cấp trung thực các thông tin hàng hóa, dịch vụ, giá cả…
Khá nhiều người chuyên bán hàng trực tuyến nhìn nhận, những yêu cầu này “khá hài hước” vì bản thân nhiều người bán hàng trực tuyến là sinh viên thất nghiệp kiếm thu nhập thêm, hay nhân viên công sở làm “tay trái”, thì làm sao có đủ các thông tin đăng kí.
Việc lập 1 trang bán hàng trên mạng xã hội với họ cũng rất đơn giản, đâu nhất thiết phải có những cam kết “nói suông” như phải trung thực khách quan, phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện đủ nghĩa vụ thuế…
“Không lẽ người bán hàng lại ngây thơ tự thú với xã hội rằng họ bán hàng trốn thuế, hàng ăn cắp, gian lận thương mại ? Bộ ra quy định với những đánh giá như vậy, có phải là xem người ta ngây thơ quá hay không ?”, một chủ cửa hàng trực tuyến trên mạng 123mua.vn nói.
Mở rộng hơn, Thông tư 47 yêu cầu các thương nhân, tổ chức thiết lập mạng xã hội phải thực hiện các trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật; phải đăng kí các hoạt động với bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử…
Điều này được hiểu đơn giản có thể vận dụng với các trang mạng xã hội trong nước, nhưng với các trang mạng xã hội quốc tế như Facebook liệu có khả thi?
Nếu cứ căn cứ những quy định để bóp hẹp điều kiện hoạt động của các mạng xã hội trong nước như vậy, rõ ràng cộng đồng sẽ càng tham gia vào mạng xã hội bên ngoài mà thôi !
Cần khảo cứu giới kinh doanh
Theo nhìn nhận của cộng đồng mạng xã hội, Thông tư 47 thật sự thể hiện tinh thần cải tổ của bộ Công Thương nhằm tạo môi trường thiết lập lại trật tự kỉ cương trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến và thương mại điện tử.
Nếu quản lí chặt chẽ như vậy, tính công bằng trong hoạt động kinh doanh này sẽ được nâng cao hơn. Nhà nước tránh được nạn thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử qua các mạng xã hội như hiện nay.
Song, do phần lớn hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội là vận dụng các giải pháp bán hàng mới, độ linh hoạt và chủ động của giới kinh doanh tham gia rất cao, có thể nói vượt qua khuôn khổ những quy định thủ tục giấy tờ lâu nay, nên khả năng quản lí theo các phương pháp cũ không còn phù hợp.
Thay vì chỉ dựa vào những đánh giá đơn thuần từ góc cạnh quản lí và mong muốn tạo lập được kỉ cương thị trường, bộ Công Thương nên có sự khảo cứu tốt hơn ý kiến của cộng đồng trong cuộc, lắng nghe và theo dõi các diễn tiến xã hội, thì mới có thể ban hành chính sách hợp lí và chuẩn mực hơn.
“Với thông tư lần này, chúng tôi tin bộ đã có sự cầu thị lớn hơn cùng giới kinh doanh, và sắp tới sẽ có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp hơn nữa, mới có thể đạt được mục tiêu quản lí tốt hoạt động mua bán kinh doanh trực tuyến và hệ thống mạng xã hội theo dạng thương mại điện tử”. Một admin diễn đàn kế toán đánh giá như vậy.
Theo Bizlive.
Bình luận