1. Kiểm tra IMEI/ số Serial

Kiểm tra số IMEI và Serial giúp người dùng nắm được thông tin sơ bộ về ngày kích hoạt, hạn bảo hành. Đối với iPhone cũ, hạn bảo hành có thể không còn. Do đó, người mua cần kiểm tra xem số IMEI/Serial in trên hộp có trùng với số ghi trên máy hay không. Để xem số IMEI/Serial trên máy, người dùng có thể vào mục Settings/General Settings/About. Nếu kết quả đối chiếu không trùng khớp, người mua nên yêu cầu đổi một thiết bị khác.

2. Kiểm tra ngoại hình máy và phụ kiện

Đây là bước khá khó khăn đối với người lần đầu mua iPhone. Những chiếc iPhone cũ được dựng lại trông khá mới. Nếu người bán quảng cáo là phụ kiện "zin", dây cáp và cục sạc sẽ trông hơi cũ và ngả màu. Nếu phụ kiện mới tinh, chỉ có hai khả năng: người dùng trước không dùng đến phụ kiện (khó xảy ra), hoặc toàn bộ phụ kiện là hàng nhái.

Trong nhiều trường hợp, ngoại hình của một chiếc iPhone cũ sẽ "tố cáo" người dùng trước có dùng cẩn thận hay không. Hãy nhìn vào các con ốc trên thân máy. Nếu ốc có vết trầy, chứng tỏ máy đã được tháo ra để sửa chữa. Đôi khi, với những chiếc iPhone "siêu dựng", vẻ bề ngoài được tân trang hoàn hảo, người mua cần nhờ một người am hiểu đi theo để có thể "bung máy", kiểm tra các linh kiện bên trong.

3. Dùng thử các tính năng cơ bản

iPhone cũ bán ở cửa hàng thường đã được kiểm tra kĩ lưỡng các tính năng cơ bản. Tuy nhiên, để "chắc ăn", người mua vẫn nên kiểm tra tất cả các tính năng cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin, chụp ảnh, quay video... Đôi khi, một chiếc iPhone trông như mới nhưng lại "đổ bệnh" khó hiểu ngay cả khi chạy các tính năng cơ bản.

Để kiểm tra cảm ứng, người dùng chỉ cần nhấp vào một biểu tượng và kéo rê nó khắp màn hình, nếu bỗng nhiên icon bị "rơi" ra trong quá trình rê ngón tay, màn hình của máy chắc chắn bị liệt cảm ứng. Nút Home cũng là một bộ phận cần kiểm tra kĩ đối với những chiếc iPhone cũ. Nút home tốt sẽ có độ nẩy nhẹ, bấm êm, không có cảm giác vướng víu.

4. Restore máy để kiểm tra iCloud

iCloud là "cơn ác mộng" của những người mua lẫn người bán iPhone cũ, thường xuất hiện trên những chiếc iPhone bị đánh cắp hoặc vì lí do nào đó người dùng trước chưa thoát iCloud. Khi mua iPhone cũ tại cửa hàng, chủ cửa hàng thường sẽ nói rõ về tình trạng iCloud của máy để tránh gặp rắc rối với khách hàng.

Với các máy dính iCloud "ẩn", người dùng có thể sử dụng bình thường nhưng không được phép restore máy hoặc reset all settings. Nếu không muốn mua phải một chiếc iPhone dính iCloud, hãy restore máy. Nếu xuất hiện màn hình đăng nhập tài khoản iCloud, hãy trả lại máy và ngừng giao dịch.

5. Kiểm tra pin

Vấn đề lớn của iPhone là thời lượng pin. Từ iPhone 5S trở về trước, các dòng iPhone đều có pin dung lượng thấp. iPhone cũ đã qua sử dụng thường bị chai pin, thậm chí hỏng pin do suy giảm hiệu suất sạc. Để kiểm tra pin, người mua có thể mang theo máy tính có cài phần mềm iBackup, cắm cáp nối iPhone với máy tính để kiểm tra số lần sạc và độ khả dụng (capacity). Ví dụ, một chiếc iPhone 5 có dung lượng pin trên lí thuyết là 1440 mAh, nhưng một chiếc iPhone 5 cũ sẽ chỉ sạc được trong khoảng 1000 - 1300 mAh. Con số này càng gần với con số lí thuyết càng tốt.

6. Tìm hiểu uy tín người bán, chế độ bảo hành tại cửa hàng

Không khó để "Google" ra danh tính của người bán hoặc cửa hàng bán iPhone cũ. Những phản hồi tốt hoặc xấu sẽ là cơ sở để người dùng chọn mua iPhone cũ tại nơi đó. Bên cạnh các thao tác kiểm tra máy, chế độ bảo hành của cửa hàng sẽ nói lên độ bền của thiết bị.

Với những cửa hàng bán hàng cũ chất lượng tốt, thời gian bảo hành một đổi một có thể lên đến 6 tháng. Với những cửa hàng chuyên bán hàng "dỏm", thời gian bảo hành có thể chỉ từ vài tuần đến một tháng.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)