Nỗi lo "hàng dựng" là một trong những nguyên nhân khiến nhiều khách khắt khe hơn khi mua iPhone cũ. Ảnh: Flickr.

Câu chuyện của một khách hàng lớn tuổi mới đây được một cửa hàng có nhiều chi nhánh tại TP.HCM chia sẻ khiến dân mạng xôn xao. Thay vì nhờ người có kinh nghiệm xem máy, khách hàng trên mang theo... kính lúp cỡ nhỏ để "soi" từng vết xước trên thân iPhone.

"Người ngoài nhìn mình bán iPhone cứ nghĩ là sung sướng, kiếm bộn tiền. Nhưng kì thực ngoài nỗi lo mất giá, tồn hàng, thử thách lớn nhất là chiều lòng khách, ngay cả với những người quái chiêu", anh N.T.Hiếu, một chủ cửa hàng ở quận 5, TP.HCM cho biết. Theo anh Hiếu, cửa hàng của anh thỉnh thoảng gặp phải những "thượng đế" đặc biệt đến nỗi anh và tất cả các nhân viên đều phải "lắc đầu ngao ngán".

"Hôm trước có vài khách khá trẻ tuổi, đến tiệm xem máy nhưng không mua. Lựa lúc nhân viên không để ý, nhóm khách đã tự động đăng nhập tài khoản iCloud trên iPhone và không thoát ra, sau đó khóa máy từ xa khi đã rời khỏi tiệm", anh Hiếu cho biết.

Ảnh
Tấm biển nhắc nhở sau hàng loạt sự cố về iCloud do nhiều khách gây ra tại một cửa hàng ở TP.HCM. Ảnh: Thành Nguyễn.

Giống như anh Hiếu, anh Nhật Huy, chủ một cửa hàng trên đường Vĩnh Viễn, quận 10, TP.HCM cũng từng gặp phải trường hợp trên. Ngay sau khi phát hiện chiếc iPhone "dính" iCloud lạ, cửa hàng này đã phải cất công truy tìm tung tích chủ nhân Apple ID trên máy thông qua địa chỉ email, nhờ bạn bè tìm trên Facebook và yêu cầu người này này đến gỡ bỏ tài khoản iCloud đăng nhập trên máy.

Không chỉ bị dính iCloud, anh Huy cũng chia sẻ thêm về câu chuyện hai khách đến mua iPhone cũ nhưng "soi" quá kĩ, thậm chí kết nối điện thoại với máy tính, cài thêm phần mềm lạ có giao diện đen trắng như MS- DOS và có những thao tác "dị" đến mức ngay cả những kĩ thuật viên của cửa hàng cũng không biết hai vị khách đang làm gì. Sau nhiều tiếng đồng hồ kiểm tra sâu, cuối cùng hai khách hàng trên cũng đồng ý trả tiền mua máy.

"Vì giá trị máy tương đối lớn với thu nhập của nhiều người, nên khi bỏ tiền ra mua một chiếc iPhone cũ, có những khách vô cùng kĩ tính. Nếu không kiểm tra quá kĩ thì họ cũng giả vờ chê bai này nọ để ép giá, hoặc 'khoe' mình là người quen của ông này bà nọ để được có giá tốt hơn", anh N.T. Hoàng, kĩ thuật viên tại một cửa hàng trên đường Trần Quang Khải, Q.1, TP.HCM cho biết. "Tuy nhiên, cũng có những khách lại rất dễ tính khi chọn máy. Với họ, uy tín của cửa hàng là điều đầu tiên họ cân nhắc. Khi đã tin tưởng, họ chỉ cần kiểm tra sơ qua là đã có quyết định mua máy", anh Hoàng chia sẻ.

Cũng theo anh này, nếu cửa hàng bán máy tốt thì không sợ bị khách hàng "soi" kĩ. Tuy nhiên, nếu trong một ngày gặp nhiều trường hợp "khó đỡ" như vậy mà không bán được máy, sự "quái chiêu" của các khách là nỗi ám ảnh lớn với những người kinh doanh. "Dù vậy, khách hàng kĩ tính quá thường không nhiều", anh nói.

Theo nhiều chủ hàng, việc khách hàng quá soi kĩ cũng bắt do sự nhộn nhạo về nguồn hàng, chủ yếu là xách tay. iPhone là một trong những dòng di động có giá trị cao, nhưng lại được đưa về từ nhiều nơi. Chưa kể, nhiều mẫu iPhone cũ là hàng dựng, vỏ máy được làm lại. "Việc khách hàng soi kĩ cũng chính là muốn sở hữu một thiết bị tốt, đáng tin cậy", anh Hoàng cho biết.

Theo Zing.




Bình luận

  • TTCN (0)