Nhật Bản là quốc gia có niềm đam mê robot từ nhiều thập kỉ nay và tình yêu này có thể giúp họ trong tương lai không xa nếu mọi chuyện diễn ra như kì vọng của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe.
Cuộc cách mạng mới
Ông Abe đang xem robot là “trụ cột” trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế đình trệ cũng như giải quyết tình trạng dân số đang già và ít đi. Trong cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Hiện thực hóa cuộc cách mạng robot hồi tháng 9, ông Abe nhận định: “Việc sử dụng robot để đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp chắc chắn là giải pháp then chốt nhằm vực dậy kinh tế”. Hội đồng nói trên do chính nhà lãnh đạo Nhật thành lập để giúp đất nước đi đầu trong ngành công nghiệp robot mà ông tin là đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chế tạo nhiều mẫu robot giống người với khả năng đi bộ, chạy và có gương mặt bắt chước cảm xúc chính xác đến kinh ngạc. Đất dụng võ của những robot này là các nhà dưỡng lão và khách sạn. Những loại robot khác, dù có giống người hay không, sẽ góp mặt trong ứng phó thảm họa, như cuộc khủng hoảng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 năm 2011.
“Có không ít lí do giải thích vì sao robot giống người sẽ hòa nhập tốt vào cuộc sống của chúng tôi. Khi xã hội thay đổi, nhu cầu về robot sẽ xuất hiện ngày càng nhiều”, ông Shuji Yumitori, Giám đốc bộ phận công nghệ robot tại Tổ chức Phát triển công nghiệp công nghệ và năng lượng mới (NEDO), cho biết.
Làm bạn với con người
Điều này có thể thấy rõ qua robot “Pepper” được Công ty Điện thoại di động SoftBank trình làng hồi tháng 6 qua. Với chiều cao 1,21 m, ưu thế của Pepper là khả năng trò chuyện với con người và nhận biết cảm xúc trong giọng nói cũng như trên khuôn mặt nhờ sử dụng phần mềm. Tập đoàn Nestlé đã mua 20 robot Pepper về bán máy pha cà phê tại các cửa hàng bách hóa. Không dừng lại ở đó, SoftBank đang ấp ủ kế hoạch bán rộng rãi Pepper vào đầu năm 2015 với giá chưa đến 2.000 USD và chúng sẽ đóng vai trò người bầu bạn trong gia đình. “Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển những robot có thể làm mọi người vui cười” - ông Masayoshi Son, Giám đốc điều hành SoftBank, giới thiệu.
Khác với Pepper, robot Asimo giống người của nhà sản xuất động cơ Honda không phải là sản phẩm để bán. Honda dành hơn 2 thập kỉ phát triển và hoàn thiện Asimo để phục vụ cho nghiên cứu chuyển động của robot. Phiên bản hiện tại của Asimo có thể đi tới, đi lùi và nhảy lò cò. Theo Honda, những thế hệ Asimo sau này có thể hỗ trợ người cao tuổi hoặc dọn dẹp các vụ tràn hóa chất độc hại. Việc tiếp cận ngành công nghiệp robot theo hướng “phát triển trước, sử dụng sau” nghe có vẻ lạc hậu nhưng các lãnh đạo Nhật Bản có lí do để đặt cược vào những tiến bộ của lĩnh vực này trong thời gian tới.
Chăm sóc người già
Chính phủ Mỹ đang tài trợ chế tạo loại robot có thể giúp người cao tuổi ăn uống thông qua dự án có kinh phí gần 800.000 USD của Tổ chức Khoa học quốc gia (NSF). Theo dự án, Trường ĐH Pennsylvania và một công ty robot cùng phát triển mẫu robot có khả năng làm một số việc như mang nước đến cho người lớn tuổi hoặc nhặt đồ vật bị rơi.
Chính phủ Mỹ đánh giá đây là một dự án cần thiết, xuất phát từ nỗi lo nước này sẽ không còn đủ người trẻ để chăm sóc người cao tuổi. Khi đó, robot được kì vọng sẽ thay nhân viên y tế giám sát và chăm sóc người già trong đời sống thường nhật. Theo trang tin Washington Free Beacon, số người trên 65 tuổi tại Mỹ được dự báo tăng lên 71,5 triệu người vào năm 2030.
Theo Người Lao Động.
Bình luận