Chuột chơi game là một trong những thành phần quan trọng nhất với các game thủ, đặc biệt là trong các game bắn súng và chiến thuật. Việc sử dụng một con chuột loại tốt sẽ giúp game thủ thoải mái hơn trong quá trình chơi, thậm chí có thể ảnh hưởng tới kết quả của trận đấu.
Tuy vậy, không phải ai cũng có thể tìm ra loại chuột chơi game phù hợp với nhu cầu riêng của mình. Các dòng chuột cao cấp chưa chắc đã là lựa chọn tốt nhất cho game thủ, hiện nay có một số dòng chuột chơi game tầm trung bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của người chơi trong khi có giá chỉ dưới 1,5 triệu đồng.
SteelSeries Kinzu v3 (670 nghìn đồng)
Ở mức giá này, khó có sản phẩm nào đánh bại được SteelSeries Kinzu v3 về chất lượng. Sản phẩm duy nhất có thể cạnh tranh với Kinzu v3 là Microsoft IE 3.0 huyền thoại, tuy nhiên Kinzu v3 vẫn là lựa chọn tốt hơn trong nhiều trường hợp.
Điểm nổi bật của Kinzu v3 là mắt đọc Avago 3050 ổn định và có độ chính xác cao, không có hiện tượng acceleration và auto-correction rất thấp, lift-off distance cũng rất thấp. Đồng thời chuột cũng sử dụng switch chất lượng cao do SteelSeries tự chế tạo. Nhờ đó, đây là một sản phẩm có chất lượng rất cao nhưng mức giá lại rất rẻ. Mang trên mình thương hiệu SteelSeríe, game thủ có thể yên tâm về chất lượng của Kinzu v3.
Tuy vậy, dòng chuột này không phải chỉ có toàn ưu điểm. Đầu tiên đó là việc thiếu vắng nút phụ bên hông. Điều này có thể ảnh hưởng tới quá trình sử dụng bình thường (lướt web) và chơi game. Tiếp đó, hai nút chuột có cảm giác khác nhau khi bấm. Cuối cùng, với kích thước nhỏ gọn, loại chuột này sẽ phù hợp với các game thủ có bàn tay nhỏ hơn là những người "tay to".
Nhìn chung, người dùng khó có thể đòi hỏi hơn với một sản phẩm ở tầm giá dưới 700 nghìn đồng như Kinzu v3. Sản phẩm này có thể đáp ứng tốt các tiêu chí về chất lượng, thương hiệu và giá rẻ.
Razer DeathAdder 2013 (1,09 triệu đồng)
Có thể nói DeathAdder là một trong những huyền thoại lớn nhất của thế giới chuột chơi game. Ra đời vào năm 2006, dòng chuột này đã mang lại một sự thay đổi toàn diện cho các sản phẩm của Razer. Trước đó, các sản phẩm của Razer đều thiết kế cho người thuận cả hai tay. Tuy nhiên, DeathAdder lại chỉ dành cho người thuận tay phải và thiết kế này đã định hình cho nhiều dòng chuột chơi game sau này của Razer. Cùng với đó là việc trang bị cảm biến độ nhạy cao, cùng chất lượng sản phẩm rất tốt đã giúp DeathAdder nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Tiếp nối thành công của DeathAdder, Razer liên tục đưa ra các mẫu DeathAdder mới với nhiều cải tiến. Một trong những sản phẩm nổi bật nhất chính là DeathAdder 2013.
Về ưu điểm, DeathAdder 2013 vẫn giữ nguyên thiết kế chỉ dành cho người thuận tay phải. Với kích thước tương đối lớn, dòng chuột này rất ôm tay, nhất là với khổ tay của người Việt Nam. Chuột cũng được phủ lớp nhựa nhám chống trượt, giúp game thủ hay ra mồ hôi tay không còn gặp tình trạng trơn trượt khi chơi game kéo dài. Đồng thời nó cũng mang lại một vẻ đẹp và phong cách hơn hẳn phiên bản trước, vốn dùng nhựa bóng. DeathAdder sử dụng mắt đọc 6400dpi, cao hơn các đời trước (1800 và 3500dpi) nhưng vẫn bảo đảm sự chính xác khi sử dụng ở độ nhạy thấp. Lift-off distance có thể tùy chỉnh và gần như bị triệt tiêu, nhờ đó chỉ số này không còn cao như các sản phẩm khác. Chuột được trang bị Synapse 2.0, giúp người dùng cài đặt các profile, bao gồm thông số chuột và gán macro (bao gồm cả nút hông), và profile này có thể sử dụng trên các máy tính khác.
Nhược điểm lớn nhất của DeathAdder 2013 chính là kích thước lớn và không phù hợp với các game thủ tay nhỏ. Nút chuột phải không có độ nảy tốt như chuột trái. Ngoài ra, lớp phủ nhám dễ bị mòn và lộ ra lớp nhựa bên dưới sau một thời gian sử dụng.
Nếu là fan của Razer, người dùng khó có thể bỏ qua chú chuột này. Với mức giá chỉ 1,09 triệu đồng, game thủ sẽ sở hữu một chú chuột chơi game cao cấp có chất lượng rất cao. Dù đã ra đời từ đầu năm 2013 và còn một số điểm yếu, đây vẫn là một lựa chọn tốt vào thời điểm hiện tại.
Razer DeathAdder Chroma (1,36 triệu đồng)
DeathAdder Chroma chỉ là bản nâng cấp của DeathAdder 2013. Trong đó, cảm biến đã được nâng lên loại 10000dpi (của DeathAdder 2013 là 6400dpi). Ngoài ra, điểm khác biệt chính là khả năng tùy chỉnh đèn LED trên chuột với 16,7 triệu màu cùng nhiều chế độ sáng khác nhau. Do đó mà mức giá của Chroma cũng cao hơn phiên bản 2013. Các ưu điểm và nhược điểm của DeathAdder 2013 vẫn được giữ nguyên.
Nếu chỉ cần một con chuột chơi game, người dùng nên mua DeathAdder 2013. Còn nếu muốn một sản phẩm với độ nhạy cực cao cùng màu sắc sặc sỡ, DeathAdder Chroma sẽ là lựa chọn cho người dùng.
SteelSeries Rival (1,26 triệu đồng)
SteelSeries thường sử dụng thiết kế đối xứng để chiều lòng mọi game thủ. Với Rival, hãng đã bỏ phong cách này và đi theo hướng thiết kế bất đối xứng, chỉ dành cho người dùng thuận tay phải. Nước đi này khá giống với Razer khi đưa ra sản phẩm DeathAdder.
Thiết kế của Rival rất ôm tay và cho cảm giác chắn chắn. Nút bấm nhạy và rất nảy, nhưng lực nhấn có phần nặng. Điều này một phần nhờ vào switch do chính SteelSeries sản xuất, độ bền chưa thể kiểm nghiệm nhưng chất lượng thì không kém gì các loại switch do Omron sản xuất. Phần mềm SteelSeries Engine 3 có khả năng tùy biến tốt, dễ sử dụng. Người dùng cũng có khả năng cài đặt và tùy chỉnh đèn LED dưới nút cuộn và logo trên thân chuột với 16,7 triệu màu, không khác nhiều so với DeathAdder Chroma.
Nhược điểm chính của Rival là dễ bám bẩn và khó lau chùi. Ngoài ra, các game thủ có bàn tay nhỏ sẽ khó sử dụng dòng chuột này vì kích thước tương đối lớn của nó.
Về cơ bản, Rival là lựa chọn dành cho các game thủ yêu thích sự đơn giản thay vì các dòng chuột màu mè. Dòng chuột này hoàn toàn đủ khả năng chiến đấu trên các mặt trận game, dù đó là FPS hay MMO đi nữa. Tuy nhiên, các game thủ thuận tay trái hoặc có bàn tay nhỏ sẽ phải tìm tới sản phẩm khác.
SteelSeries Sensei Raw (1,5 triệu đồng)
Sau thành công của phiên bản Sensei, SteelSeries đã tiếp tục cho ra mắt dòng chuột chơi game Sensei Raw. So với người tiền nhiệm, Sensei Raw đã bị cắt giảm bộ xử lí ARM, kéo theo đó là hàng loạt tính năng mang lại thành công cho dòng Sensei như tùy chỉnh CPI, điều chỉnh lift-off distance hay acceleration.
Tuy nhiên, điều đó không làm ảnh hưởng đến những chức năng cơ bản và quan trọng nhất của chuột. Sensei Raw vẫn dùng cảm biến laser Avago 9500 (tương tự Sensei) với độ chính xác cực cao. Ngoài ra, nút bấm của Sensei Raw cũng có độ nảy tốt, thậm chí độ sâu nút còn vượt cả Sensei và ngang với Xai. Feet của Sensei Raw có chất lượng cao, kết hợp với độ nhạy của cảm biến laser, sẽ bảo đảm độ mượt và chính xác cho những pha xử lí của game thủ. Cuối cùng, dòng chuột này được thiết kế phù hợp cho cả người dùng thuận tay trái và tay phải.
Về nhược điểm, Sensei Raw rõ ràng đã thiếu vắng khá nhiều chức năng quan trọng của phiên bản Sensei. Điều này có thể rất quan trọng với nhiều game thủ chuyên nghiệp, nhưng các game thủ bình thường có thể tạm chấp nhận và sử dụng chuột mà không cần để ý tới các thông số phức tạp đó.
Với tùy chọn lớp vỏ bóng hoặc cao su nhám, Sensei Raw vẫn có một vẻ sang trọng và đẳng cấp. Nếu chấp nhận được việc không có những chức năng cao cấp và khả năng tùy chỉnh chi tiết thì đây là một lựa chọn không thể bỏ qua đối với các game thủ.
Theo VnExpress.
Bình luận