Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà vừa kí quyết định số 5715/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy chế thực hiện thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia KH&CN vào làm việc tại 4 đơn vị: Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Viện Khoa học - Công nghệ Tính toán và Trung tâm Công nghệ Sinh học.
Theo quyết định này, các nhà khoa học, người có trình độ cao sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt.
Cụ thể về tuyển dụng, lao động: Việc tuyển chọn chuyên gia KH&CN theo nguyên tắc cạnh tranh, lựa chọn chuyên gia KH&CN phù hợp nhất cho việc thực hiện các đề tài, đề án nghiên cứu, ứng dụng dự kiến sẽ hoàn thành.
Chuyên gia KH&CN được kí hợp đồng lao động theo thời gian thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Nội dung hợp đồng giữa chuyên gia KH&CN với đơn vị sử dụng thể hiện rõ các nhiệm vụ, mức lương, thời gian hoàn thành, trách nhiệm mỗi bên, các quy định hợp đồng theo đúng pháp luật hiện hành.
Chuyên gia KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam được tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy phép lao động (được giới thiệu đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố xem xét cấp giấy phép lao động).
Về lương, phụ cấp và chế độ đãi ngộ:
a) Chuyên gia KH&CN tham gia hoạt động KH&CN tại 4 đơn vị nêu tại Điều 1 được hưởng ưu đãi về lương, phụ cấp, đi lại; được hưởng thu nhập theo thỏa thuận trực tiếp giữa thủ trưởng đơn vị với các chuyên gia. Việc tăng thêm thu nhập hoặc phụ cấp sẽ được thỏa thuận lại khi kí kết hợp đồng lao động cho kì tiếp theo, nhưng không quá 150 triệu đồng/tháng.
b) Cơ quan chủ trì đề án, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (gọi tắt là chủ trì đề án) và chuyên gia KH&CN là chủ nhiệm đề án được hưởng phân chia lợi nhuận trên sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao vào sản xuất - kinh doanh hoặc thương mại hóa theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ.
c) Chuyên gia KH&CN được hỗ trợ kinh phí tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và ngoài nước có nội dung, chủ đề phù hợp với chuyên môn và nhiệm vụ KH&CN được giao, mức hỗ trợ cụ thể theo quy định hiện hành.
Về điều kiện, môi trường làm việc:
a) Chuyên gia KH&CN được đảm bảo các điều kiện thuận lợi về phòng làm việc, trang thiết bị và vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm, hệ thống thông tin và các điều kiện cần thiết khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
b) Chuyên gia KH&CN giữ chức vụ lãnh đạo hoặc phụ trách nhóm nghiên cứu khoa học được chủ động lựa chọn, đào tạo nhóm làm việc phù hợp chuyên môn trong lĩnh vực phụ trách và quản lí trên cơ sở khoa học, minh bạch và chuẩn mực quốc tế.
c) Chuyên gia KH&CN được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu và công nghệ được chuyển giao theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ kinh phí đăng kí bằng phát minh sáng chế, đăng kí quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với pháp luật Việt Nam và quốc tế.
d) Chuyên gia KH&CN được hỗ trợ kinh phí tham gia ươm tạo công nghệ tại các cơ sở ươm tạo công nghệ cho các kết quả nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ có khả năng thương mại hóa theo quy định của nhà nước.
Về xuất nhập cảnh và cư trú
Chuyên gia KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, thị thực xuất nhập cảnh, đăng kí cư trú (được giới thiệu đến cơ quan quản lí xuất nhập cảnh xem xét cấp thị thực Việt Nam dài hạn và có giá trị xuất, nhập cảnh nhiều lần; được trình báo tạm trú như công dân trong nước hoặc cấp thẻ tạm trú,…) cho bản thân hoặc thành viên gia đình.
Về ngoại hối, thuế và phí
a) Chuyên gia KH&CN tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân (nếu có) theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
b) Chuyên gia KH&CN người Việt Nam ở nước ngoài được mang ngoại tệ vào Việt Nam, được chuyển đổi ra ngoại tệ và mang ra khỏi Việt Nam các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam hoặc các khoản thu nhập khác theo quy định của pháp luật.
Về nhà ở và hỗ trợ ổn định cuộc sống
Chuyên gia KH&CN được bố trí nhà ở công vụ (đối với đơn vị có nhà ở công vụ) hoặc tạo điều kiện thuận lợi để mua nhà, ổn định chỗ ở; được hỗ trợ giới thiệu việc làm cho vợ (chồng) tại các đơn vị thuộc thành phố nếu có nhu cầu và chuyên môn phù hợp; được tạo điều kiện học tập cho các con.
Các chính sách ưu đãi khác gồm: Đối với các chuyên gia KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài được tạm nhập miễn thuế một ô tô cá nhân (sử dụng cho mục đích đi lại) và các trang thiết bị, đồ dùng tiện ích trong nhà phục vụ cho công việc và sinh hoạt, được nhập khẩu miễn thuế các tài sản theo danh mục hàng hóa, hành lí tư trang với mục đích sử dụng cho cá nhân và gia đình theo quy định của pháp luật.
Chuyên gia KH&CN được khen thưởng và vinh danh xứng đáng với những kết quả, cống hiến cho sự nghiệp phát triển KH&CN của Thành phố.
Trả lời trên báo Thanh Niên, ông Lê Mạnh Hà cho rằng, TP HCM đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành một ngành kinh tế chủ lực, tăng trưởng cao (trung bình 30%/năm), trong đó trọng tâm là xây dựng công viên phần mềm trọng điểm quốc gia trên cơ sở hoàn thiện công viên phần mềm Quang Trung; tập trung phát triển công nghiệp vi mạch điện tử, xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch đầu tiên tại VN; doanh thu của riêng ngành vi mạch điện tử đạt tối thiểu 120 triệu USD/năm, thu hút ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia vào đầu tư; ươm tạo được khoảng 25 doanh nghiệp KHCN, đào tạo được khoảng 2.000 kĩ sư, kĩ thuật viên hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử...
Việc thí điểm trả lương đến 150 triệu đồng/tháng, là để thu hút được chuyên gia đầu ngành đến làm việc, qua đó có thể tạo ra đột phá về KH&CN. Khi mời các chuyên gia thì gắn liền với những công việc, dự án cụ thể, chứ không mời chung chung rồi lấy ngân sách chi trả lương ở mức cao.
Ông Hà cũng cho rằng ngân sách không hạn chế việc phát triển KH&CN nếu như thu hút được chuyên gia hàng đầu phục vụ cho chính sự phát triển của TP hoặc các dự án mà TP đang triển khai. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao tuyển chọn được chuyên gia đúng yêu cầu và khi đã được như vậy rồi thì phải tạo môi trường làm việc tốt để giữ chân họ lại.
“Tiền chỉ là một trong những điều kiện thu hút nhân tài mà thôi. Quan trọng là tạo được một môi trường thuận lợi nhất để phát triển KH&CN, thu hút chuyên gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này từ nước ngoài đến TP tự đầu tư, sản xuất tạo ra sản phẩm công nghệ với khả năng tự lo liệu nhiều hơn, chứ không hẳn chỉ về để được nhận lương từ ngân sách. Làm được vậy mới tạo được sức bật, đẩy mạnh được KH&CN phát triển một cách toàn diện”, ông Hà nhìn nhận.
Theo Vietq.
Bình luận