Tại cuộc làm việc mới đây với Bộ TT&TT, đại diện Uber cho rằng lĩnh vực hoạt động của công ty là lĩnh vực công nghệ. Hình thức triển khai, cung cấp dịch vụ là Công ty Uber (tại Mỹ hoặc Hà Lan) sẽ kí hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép vận tải tại Việt Nam (trừ các hãng taxi) với tỉ lệ chia doanh thu là 20/80.
Doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam sẽ nhận được 80% doanh số (trong đó đã bao gồm thuế VAT, thuế nhà thầu...). Hiện nay, Công ty Uber đã kí hợp đồng với 40 – 50 doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam.
Về phương thức tính tiền, dựa vào hệ thống định vị vệ tinh GPS và bản đồ của Google để tính khoảng cách, thời gian, trên cơ sở đó, Uber sẽ đưa ra mức cước, số tiền này sẽ được thông báo tự động cho lái xe và khách hàng.
Khách hàng sẽ sử dụng thẻ tín dụng (Visa, Master) để thanh toán trực tiếp với Uber thông qua các công ty thanh toán như PayPal, Visa, Master... Hiện nay, các thông tin, dữ liệu liên quan được lưu trữ trên các máy chủ đặt tại Hà Lan và Mỹ.
Phía Uber cho rằng hình thức kinh doanh của họ không phải là hình thức kinh doanh vận tải vì họ không sở hữu xe cũng như là không thuê người lái xe, mà xe và người lái xe sẽ do các doanh nghiệp vận tải có giấy phép sở hữu.
Trong quá trình lựa chọn đối tác, Công ty Uber luôn kiểm tra chế độ bảo hiểm khách hàng cũng như các yêu cầu bảo hiểm khác của doanh nghiệp vận tải để xem có phù hợp hay không. Khi có rủi ro xảy ra thì đơn vị đối tác bảo hiểm sẽ chịu trách nhiệm, còn Uber sẽ đóng vai trò giám sát quá trình thực hiện của đối tác vận tải để đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ.
Phía Uber cũng thừa nhận hình thức cung cấp dịch vụ của mình là hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Bởi vậy, phía Uber kiến nghị được chính thức đăng kí cung cấp dịch vụ chính tại Việt Nam là theo hình thức cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Được biết, Uber đã mở Văn phòng đại diện tại Việt Nam từ ngày 30/8/2014 theo Giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP.HCM cấp. Nhưng theo giấy chứng nhận này thì ngành nghề kinh doanh là tư vấn quản lí, tiếp thị cho dịch vụ chứ không phải là vận tải. Dịch vụ chính của Uber thì do Uber phía Hà Lan (hoặc Mỹ) cung cấp và thu tiền, sau đó mới thanh toán lại cho các đối tác là doanh nghiệp vận tải tại Việt Nam.
Về đề xuất cung cấp dịch vụ xuyên biên giới của Uber, đại diện Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết: Hiện nay dự thảo Nghị định về dịch vụ CNTT do Bộ TT&TT xây dựng đã có quy định về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới nhưng chưa được ban hành. Bộ TT&TT đang tích cực kiến nghị để Chính phủ sớm ban hành Nghị định này nhằm hoàn thiện khung pháp lí quản lí dịch vụ kiểu như của Uber tại Việt Nam.
Ai kiểm định chất lượng đo của GPS?
Theo mô hình cung cấp dịch vụ của Uber thì cả người lái xe vận tải và người dùng đều trang bị điện thoại thông minh có cài đặt phần mềm của Uber (sau khi kí hợp đồng, Uber sẽ trang bị điện thoại thông minh tích hợp sẵn phần mềm Uber và cung cấp miễn phí SIM 3G cho các doanh nghiệp vận tải). Khi khách hàng có nhu cầu sẽ đăng nhập vào phần mềm, khai báo hành trình di chuyển. Trên cơ sở sử dụng định vị vệ tinh GPS và bản đồ của Google, khách hàng sẽ được cung cấp thông tin của xe và người lái xe gần nhất.
Với góc nhìn của chuyên gia công nghệ thì cần phải xem xét và quản lí chặt chẽ hơn việc Uber sử dụng dịch vụ GPS miễn phí của Google để tính khoảng cách, thời gian làm cơ sở cho việc tính cước. Trong khi các đồng hồ tính cước của taxi đang được các cơ quan quản lí Nhà nước có thẩm quyền quản lí chất lượng, kẹp chì để kiểm soát thì công cụ GPS dùng để đo khoảng cách, thời gian làm cơ sở để tính cước chưa được thẩm định và hiện cũng chưa có quy định cơ quan Nhà nước nào có thẩm quyền kiểm định chất lượng và độ chuẩn xác của công nghệ GPS này.
Mặt khác, các thông tin về khách hàng, dữ liệu lịch sử di chuyển của khách hàng... được lưu trữ tại Hà Lan và Mỹ cũng tiềm ẩn có nguy cơ lộ thông tin cá nhân. Việc thanh toán qua PayPal có được đảm bảo hay không cũng chưa được xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Theo Infonet.
Bình luận