Chưa có cơ chế, công cụ quản lí ứng dụng Uber

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay chưa có văn bản, quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử trên mạng viễn thông di động nói chung và mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động nói riêng. Do vậy, chưa có cơ chế cũng như công cụ để quản lí ứng dụng Uber và các ứng dụng tương tự trên nền tảng thiết bị di động tại Việt Nam.

Trong năm 2015, Bộ Công Thương có kế hoạch nghiên cứu xây dựng một văn bản hướng dẫn Nghị định 52 về nội dung hoạt động thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động. Tuy nhiên, kể cả nghị định này và các văn bản hướng dẫn đều chưa có quy định điều chỉnh đối tượng nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới, không có hiện diện tại Việt Nam.

Như vậy, để quản lí toàn diện và hiệu quả hoạt động của Uber và các mô hình kinh doanh tương tự, Bộ Công Thương cho biết, đòi hỏi phải có một tư duy quản lí mới và sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng, từ Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đến Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trước sự thay đổi nhanh của thực tiễn kinh doanh trên cơ sở các ứng dụng công nghệ mới.

Uber là một dịch vụ trung gian hoạt động thông qua ứng dụng trên smartphone. Công ty không sở hữu xe ô tô, không có lái xe. Uber làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Xe tham gia vào mạng lưới Uber là xe cá nhân, chính vì vậy nó còn được gọi là “taxi không biển hiệu”.

Khách hàng cần di chuyển sẽ cải đặt phần mềm Uber trên smartphone, sau đó thực hiện đặt xe. Phần mềm ứng dụng cung cấp bản đồ vị trí của xe để hai bên chủ động trong vấn đề thời gian và di chuyển.

Khi sử dụng Uber khách hàng không cần dùng tiền mặt, sau mỗi chuyến đi kết thúc, số tiền được Uber tự tính và trừ trực tiếp vào thẻ tín dụng của cá nhân. Xe tham gia vào mạng lưới Uber rất đa dạng, thậm chí có cả những chiếc xe sang cao cấp.

Tại Việt Nam, nếu Công ty Uber chỉ cung cấp giải pháp công nghệ thì phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh thương mại và thương mại điện tử theo nghị định 52.

Trường hợp Công ty Uber trực tiếp tổ chức hoạt động kinh doanh và vận hành mạng lưới xe thì công ty này là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc xác định mô hình hoạt động của Uber tại Việt Nam là rất quan trọng để từ đó xác định phương thức quản lí phù hợp. Hiện có quá nhiều thông tin trái chiều về các yếu tố của mô hình hoạt động Uber tại Việt Nam, mà kết luận cuối cùng chỉ có thể là của Bộ GTVT.

Tuy nhiên, xếp Uber vào loại hình kinh doanh vận tải hay đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ thì Uber vẫn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố mới chưa được quy định và kiểm soát đầy đủ bởi các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Trước mắt, Bộ Công Thương đang đề nghị Bộ GTVT cần có các quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải của Uber và cách thức quản lí phù hợp.

Bộ Tài chính và Bộ GTVT phối hợp nghiên cứu để có phương án phối hợp quản lí cước phí phù hợp.

Uber có thể triển khai dịch vụ mà không cần hiện diện tại Việt Nam, do vậy, cần có biện pháp giám sát phù hợp từ cơ quan thuế để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách và duy trì sự bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải khác.

Việc người tiêu dùng cung cấp số thẻ khi đăng kí mở tài khoản trên hệ thống Uber, sau mỗi lần sử dụng dịch vụ, cước phí sẽ tự động ghi nợ mà không cần chữ kí xác nhận của chủ thẻ đang tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng. Đây cũng là thách thức cho cơ quan chức năng trong việc quản lí giao dịch và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định cụ thể về những giao dịch thanh toán thẻ “không cần xác nhận” như trên.

Theo Dân Việt.




Bình luận

  • TTCN (0)