Theo kết quả đo đạc, khảo sát tín hiệu truyền hình ở Đà Nẵng và Quảng Nam mới đây, các khu vực đã có sóng truyền hình analog đều đã có thể thu được tín hiệu truyền hình số DVB-T2 ở hai địa phương này. Vị trí được phủ sóng đạt 95% theo Quy chuẩn xác định vùng phủ sóng truyền hình số DVB-T2.
Tuy nhiên kết quả khảo sát cho thấy, có một số khu vực thu được truyền hình analog nhưng lại khó thu được truyền hình số như: khu vực gần kí túc xá phía Tây Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Và tại một số khu vực ở Đà Nẵng nằm trong vùng lõm, vùng bị chắn sóng không thu được sóng cả analog và số tại xã Hòa Nhơn, Hòa Sơn và Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Tại một số khu vực miền núi thuộc huyện Đại Lộc, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) không thể thu được sóng truyền hình analog từ trước đến nay do đó cũng không có sóng truyền hình số.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, hiện tại đang có 3 doanh nghiệp phát sóng số tại Đà Nẵng là VTV, VTC và Truyền hình An Viên. UBND TP.Đà Nẵng đã chọn VTV là đối tác phát sóng 3 chương trình truyền hình công ích VTV1, VTV2, DRT, tỉnh Quảng Nam nhiều khả năng cũng sẽ lựa chọn VTV để phát sóng số kênh QRT.
Tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ tắt sóng truyền hình analog, hoàn thành số hóa truyền hình vào cuối tháng 6/2015. Ông Hoan khẳng định, phần phát sóng số không phải là vấn đề lớn, đối với các khu vực sóng số còn yếu Bộ TT&TT yêu cầu VTV phải đầu tư nâng cấp tăng cường diện phủ sóng. Đồng thời, Bộ TT&TT cũng yêu cầu VTV sớm công bố vùng phủ sóng DVB-T2 ở hai địa phương này. Trong đó phải khuyến cáo cụ thể cho người dân về phương thức thu xem như sử dụng anten nào (trong nhà hay ngoài trởi, tích cực hay thụ động) tại từng khu vực.
Tuy nhiên việc người dân có thể thu xem được truyền hình số hay không là vấn đề rất lớn. Do đặc điểm của của truyền hình số là việc điều chỉnh máy thu, anten thu phức tạp hơn so với truyền hình tương tự. Khi tín hiệu phủ sóng yếu thì truyền hình tương tự có thể thu xem được với chất lượng thấp, nhưng truyền hình số thì tín hiệu kém sẽ khó thu hoặc không thu được.
Do đó, việc thực hiện hỗ trợ đầu thu số để đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách có thể thu được truyền hình số đang là vấn đề cần giải quyết sớm. Theo ông Hoan, câu hỏi đặt ra là tại các vùng lõm sóng hoặc từ trước đến nay không có sóng analog ở Quảng Nam thì có hỗ trợ cho người dân luôn trong đợt này hay không. Trong trường hợp hỗ trợ ngay để người dân xem truyền hình thì cần phải đề xuất hỗ trợ đầu thu vệ tinh. Và nếu được hỗ trợ đầu thu truyền hình vệ tinh thì người dân có thể thu xem ngay được các kênh truyền hình vệ tinh do VTC đang phát sóng.
Bên cạnh đó, theo ông Hoan, chất lượng anten thu truyền hình trên thị trường đang là vấn đề cực lớn. Qua khảo sát sơ bộ của Cục Tần số Vô tuyến điện mới đây, anten 24 chấn tử, nhưng hệ số khuếch đại bằng âm, anten được quảng cáo 11dbi nhưng khi đo chỉ được 2-3 dbi, những loại anten như thế không thể thu được truyền hình số. Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất anten cũng thừa nhận họ chỉ sản xuất nhưng chưa tiến hành đo chất lượng thu của anten bao giờ.
Hiện đang có nhiều ý kiến đề xuất cần quản lí chất lượng anten truyền hình để đảm bảo chất lượng thu truyền hình số của người dân. Đồng thời, vấn đề hỗ trợ đầu thu số có kèm anten không cũng cần được đưa ra, bởi nếu không hỗ trợ anten thì người dân sẽ gặp nguy cơ khó thu được sóng số dẫn đến hệ lụy là khâu bảo hành đầu thu sẽ có thể bị quá tải khi thực hiện số hóa truyền hình. Nhưng ở một khía cạnh khác, nếu hỗ trợ người dân cả anten thì giá thành bộ thu truyền hình số sẽ đội lên rất lớn.
Bình luận